CNY giảm giá, xuất khẩu của Việt Nam chưa chịu nhiều áp lực

(ĐTCK) TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES) Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, xu hướng của tỷ giá VND so với USD từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định, nhưng việc tiền đồng mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nên cần phải lưu tâm. 
Tỷ giá tiền đồng được dự báo ổn định từ nay đến cuối năm.

Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang thời gian đây. Diễn biến này tác động đến Việt Nam như thế nào?

Ðể giảm bớt căng thẳng thương mại, có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến một thỏa thuận vào cuối năm nay. Dù vậy, hiện tại, ảnh hưởng của thương chiến tới kinh tế toàn cầu vẫn rất mạnh mẽ. Do đó, Việt Nam cần có sự chuẩn bị để tránh bị thiệt hại trong thời gian tới.

Về tác động của sự leo thang này, có thể thấy rằng, mức thuế quan như hiện nay sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như tăng trưởng thương mại toàn cầu. Với Việt Nam, thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng đang giúp một số ngành hàng có được lợi thế như gỗ, điện tử, điện thoại di động và linh phụ kiện...

Tuy nhiên, điều cần quan tâm là các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi bao nhiêu trong tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ so với bức tranh chung của những lĩnh vực, ngành nghề đang được hưởng lợi này?

Thực tế, khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, Trung Quốc đã giảm xuất khẩu tối đa để đảm bảo thặng dư cán cân vãng lai. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang Trung Quốc và phải tìm hướng để thay đổi.

Trong xu hướng đó, Mỹ được xem như là thị trường đầy tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể khai thác.

Theo đó, hoạt động xuất khẩu sang thị trường này đã được đẩy mạnh thời gian qua. Ðơn cử, xuất khẩu điện thoại di động và linh phụ kiện của Việt Nam sang Mỹ trong nửa đầu năm 2019 đã tăng tới 82% so với cùng kỳ 2018. Ngược lại, xuất khẩu 2 lĩnh vực này sang Trung Quốc giảm 3%.

Tuy nhiên, việc tăng xuất khẩu sang Mỹ khiến cho thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng mạnh. Ðược biết, các cơ quan liên quan của 2 bên sẽ có cuộc gặp trong tháng 9 để bàn thảo về vấn đề này.

TS. Phạm Sỹ Thành.
Trong bối cảnh thương chiến leo thang, Trung Quốc đã giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ (CNY). Theo ông, tỷ giá tiền đồng chịu áp lực gì khi CNY mất giá?

CNY đang trong xu hướng giảm và dự báo đến cuối năm nay có thể mất 5,75% giá trị so đầu năm. Việc Trung Quốc phá giá CNY là một trong những biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa, nhưng thực tế không có nhiều tác động tích cực lên thương chiến.

Việc CNY biến động thường không ảnh hưởng nhiều lên tỷ giá VND. Nhưng có một điều chúng ta cần phải quan tâm, đó là đồng Việt Nam đang mạnh lên, trong khi các đồng tiền của các nước khác đang yếu đi và điều này không có lợi cho xuất khẩu.

Bởi giá cả là một trong những lợi thế cạnh tranh của những ngành hàng công nghệ sử dụng nhiều lao động của Việt Nam hiện nay. Nếu tỷ giá tiền đồng thời gian tới tiếp tục tăng, lợi ích từ thuế quan mà Việt Nam có thể tận dụng được từ Trung Quốc sẽ bị trung hòa.

Tuy vậy, đồng Việt Nam từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ vẫn duy trì sự ổn định, nếu có tăng cũng sẽ không tăng quá 2% như Ngân hàng Nhà nước đã dự tính, bởi các cán cân thanh toán tổng thể đang tích cực.

Ðầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng và đặc biệt, lượng kiều hối chảy về Việt Nam năm qua ở mức cao, ước tính lên đến 14 tỷ USD.

Nhìn chung, Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, nhưng đó là trong ngắn hạn. Nếu muốn duy trì lợi thế trong dài hạn, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới 2 vấn đề, đó là tỷ giá tiền đồng và xuất xứ hàng hóa.

Tiền đồng đang tăng so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực và thế giới. Ðể có thể hỗ trợ xuất khẩu, Việt Nam có nên linh hoạt về tỷ giá?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, xu hướng của tỷ giá VND so với USD từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định, nên hoạt động xuất khẩu sẽ không gặp quá nhiều áp lực.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua vào USD, một mặt để tăng dự trữ ngoại hối, mặt khác để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, dư địa để chúng ta tiếp tục mua vào USD không còn nhiều, bởi điều đó sẽ gây chú ý đối với Mỹ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong danh sách những quốc gia bị theo dõi về thao túng tỷ giá.

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tăng trưởng nền kinh tế, thay vì chính sách tiền tệ, Việt Nam cần áp dụng chính sách tài khóa với những công cụ như tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu bằng cách giảm thuế suất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu... Ðây là những giải pháp chính sách mà chúng ta có thể tính đến, mà không cần can thiệp nhiều về tỷ giá.

“Ðiểm rơi” tác động thương chiến Mỹ - Trung lên nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra trong giai đoạn 2020-2021. Ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn này?

Thời gian qua, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam khá ổn định, ngay cả khi thương chiến nổ ra. 5 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI từ Trung Quốc  đạt 2 tỷ USD, đứng thứ 4 và chênh lệch không đáng kể so với vốn FDI từ Hàn Quốc. Trong đó, gần 85% tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (khoảng 1,7 tỷ USD).

Có 2 lý do chính giúp dòng vốn này có thể duy trì sự ổn định: Thứ nhất, với những thuận lợi về thuế quan, nhất là sau khi ký kết các hiệp định thương mại quan trọng như CPTPP và EVFTA, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Thứ hai là liên quan đến chính sách của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình là người muốn thay đổi các ngành công nghiệp cũ thành các ngành công nghiệp mới, không muốn các ngành công nghiệp ô nhiễm ở lại trong nước, đồng thời Trung Quốc cũng đang dư thừa năng lực sản xuất. Do đó, những doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu sẽ phải đi ra bên ngoài Trung Quốc, mà không phải do ảnh hưởng của thương chiến.

Tổng hợp các yếu tố, xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới và Việt Nam vẫn được xem là điểm đến thích hợp để có thể hưởng lợi về thuế.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục