Dưới con mắt của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, rất có thể những động thái tiếp theo đó của Chính phủ Mỹ là các cuộc điều tra, áp dụng các hàng rào kỹ thuật gắt gao…
Thép là mặt hàng nhãn tiền đã chịu tác động lớn, khi thuế chống bán phá giá sang Mỹ áp dụng từ nửa cuối 2018 lập tức khiến một loạt doanh nghiệp báo lỗ trong quý cuối cùng của năm, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại. Thương chiến tác động đến “nồi cơm” của doanh nghiệp là đây.
Nhìn vào số liệu thống kê, có thể thấy sự tăng trưởng mạnh của kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khi 5 tháng đầu năm nay, giá trị hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này đạt 22,6 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
Còn nhìn ở góc độ vi mô, đây đã trở thành vấn đề không chỉ giới chức Mỹ quan tâm mà còn trở thành đề tài kinh tế được các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ chú ý. Ðầu tuần trước, Top 3 đài truyền hình lớn nhất Mỹ là CNBC và NBC đã cử phóng viên gạo cội về thương mại Carl Quintanilla sang Việt Nam thực hiện một chuỗi phóng sự về ngành may mặc nhằm tìm câu trả lời cho người tiêu dùng Mỹ: “Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chuyển dịch ngành sản xuất quy mô lớn nhất lịch sử từ Trung Quốc?”.
Chuỗi phóng sự được thực hiện trước thềm Hội nghị G20 ở Nhật, để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lấy bối cảnh tại Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại TNG, một đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam đang bùng nổ sản xuất, CNBC đã đề cập đến những câu chuyện khiến giới doanh nghiệp Việt Nam phải lưu tâm.
Kể từ khi có lời đe doạ tăng 25% thuế của Chính quyền Tổng thống Trump đối với 2.493 dòng hàng từ Trung Quốc, trị giá nhập khẩu lên tới 300 tỷ USD, trong đó có ngành may mặc và da giầy, các nhà nhập khẩu may mặc Mỹ đã đặt câu hỏi: “Liệu đã đến lúc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam chưa?”. Rất nhiều thương hiệu lớn đã và đang đặt sản xuất của họ ở cả Trung Quốc và Việt Nam.
Trên thực tế, chỉ cần so sánh thị phần hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chiếm tới 42% so với 12,5% từ Việt Nam đã thấy rõ quy mô khập khiễng giữa hai nước. Bởi thế, nếu cho rằng để tránh mức thuế 25%, sẽ có làn sóng dịch chuyển toàn bộ hàng dệt may từ Trung Quốc với nền sản xuất của 1,4 tỷ dân sang Việt Nam với nền sản xuất của 95 triệu dân thì thật sai lầm.
Mặc dù vậy, Việt Nam đang là lựa chọn thứ hai và tốt nhất cho bất kỳ thương hiệu thời trang nào đang đặt nặng năng lực sản xuất của mình vào Trung Quốc và nếu việc 25% thuế nhập khẩu được áp dụng, đây sẽ là cơ hội vàng cho ngành dệt may của Việt Nam bứt phá. Năm 2018, thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ 9% lên xấp xỉ 13%, còn hàng dệt may Trung Quốc đã giảm mạnh tương ứng.
Bởi thế, đã có những câu hỏi buộc giới doanh nghiệp Việt phải đặt ra, chẳng hạn như nếu ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với một hàng rào kỹ thuật mới từ Mỹ nhằm đối phó với làn sóng dịch chuyển sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải ứng phó ra sao? Làm sao để đón nhận được các đơn hàng nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố về môi trường, con người và chất lượng sản phẩm…?