Ngoài quy mô xuất khẩu lớn, vụ việc gây chú ý còn bởi Minh Phú đang là doanh nghiệp xuất khẩu tôm duy nhất của Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu vào Mỹ từ năm 2016, sau khi thắng kiện áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ trước đó.
Tại một doanh nghiệp khác, Tập đoàn Hoà Phát đang đẩy mạnh xuất khẩu ống thép sang các thị trường trong khu vực, trong đó có Ấn Ðộ. Ðể xuất khẩu sang thị trường này, Hoà Phát phải thường xuyên nhập khẩu nguyên liệu thép cán nóng từ nhiều nhà máy Ấn Ðộ nhằm đảm bảo đạt được giấy chứng nhận xuất xứ, sau đó sản xuất và xuất ngược trở lại Ấn Ðộ.
Song song với nhập khẩu nguyên liệu, Hòa Phát cũng duy trì mối quan hệ bạn hàng lâu dài với các công ty sản xuất thép cuộn cán nóng tại Việt Nam để đa dạng nguồn cung, đảm bảo tỷ lệ nội địa hoá cho hàng xuất khẩu. Từ quy trình này cho thấy, để xuất khẩu vào một thị trường, việc tuân thủ các yêu cầu và quy định, chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là vô cùng quan trọng.
Thực tế trên cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn phải chú trọng vấn đề này ngay từ khi lên kế hoạch xuất khẩu đi các thị trường, đặc biệt là những thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Tránh trường hợp khi quy mô doanh nghiệp đã lớn, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao mới bắt đầu chuẩn bị, bởi lúc này sẽ tăng nguy cơ rơi vào “tầm ngắm” của các đối tác bị ảnh hưởng quyền lợi. Theo đó, một hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống truy xuất nguồn gốc, lưu trữ đầy đủ, hồ sơ giấy tờ... phải luôn sẵn sàng để có thể đáp ứng ngay yêu cầu trong trường hợp có cáo buộc, điều tra xảy ra.
Thị trường xuất khẩu là thị trường tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hướng tới, nhưng song hành với đó rủi ro cũng rất cao. Ðể bước an toàn, doanh nghiệp luôn cần “đi hai chân” cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu. Trong đó, với thị trường xuất khẩu, cần chú trọng kiểm roát rủi ro, tiếp cận và nắm bắt luật pháp quốc tế, kết nối các luật sư quốc tế... để sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Không phải ngẫu nhiên mà Minh Phú lại được miễn thuế xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ðây là thành quả của cả một quá trình kiên trì theo đuổi vụ kiện áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ tại thời điểm đó. Không nhiều doanh nghiệp “dám” đi tới cùng của một vụ kiện khi khả năng thắng chưa chắc chắn và nếu thắng cũng chưa chắc thực thi được.
Tuy nhiên, quan điểm của Minh Phú lúc bấy giờ là “chỉ 1% thắng cũng phải làm”, bởi đây là con đường ngắn nhất để chứng minh chất lượng sản phẩm, cũng như năng lực của doanh nghiệp. Chính điều này đã giúp Minh Phú trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam duy nhất được miễn thuế vào Mỹ vĩnh viễn (tức không điều tra lại - PV).
Trên đây là những câu chuyện để các doanh nghiệp Việt Nam có thêm niềm tin, bài học về thị trường xuất khẩu tiềm năng, nhưng cũng cần có sự kiên trì và bài bản, bởi ngay cả khi đã được miễn thuế xuất khẩu, chưa hẳn rủi ro từ thị trường đã hết.