Từ hồi tháng 5, Corbat đã tuyên bố ông đang dành các nguồn lực “có ý nghĩa” để mở rộng hoạt động ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Citicorp, đơn vị kinh doanh lõi của Ngân hàng đã thu được 1,07 tỷ USD lợi nhuận từ châu Á trong quý II/2013, tăng mạnh so với con số 972 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Mảng ngân hàng thương mại của Citigroup cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ các dịch vụ như quản lý tiền, ngoại hối, cho vay, các sản phẩm giao dịch… Mảng này nằm trong bộ phận ngân hàng tiêu dùng của Citigroup - bộ phận tập trung vào dịch vụ ngân hàng bán lẻ từ việc kiểm tra tài khoản cho tới các khoản cho vay thẻ tín dụng.
Trong công bố kết quả kinh doanh hôm thứ Hai, Citigroup đạt thu nhập ròng 4,18 tỷ USD trong quý II/2013, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu của Citigroup đã tăng 2%, lên 51,81 USD/CP trong phiên giao dịch chiều cùng ngày ở Sàn GDCK New York.
Góp phần lớn trong tăng trưởng của Citigroup là từ mảng chứng khoán và ngân hàng đầu tư, tăng 25% doanh thu, đạt 6,84 tỷ USD. Mảng kinh doanh thị trường vốn tăng 68% doanh thu, đạt 942 triệu USD. Trong khi đó, doanh thu từ mảng tài sản thu nhập cố định tăng 18%, đạt 3,37 tỷ USD. Tuy nhiên, các lãnh đạo của Ngân hàng lại cảnh báo rằng, những mảng kinh doanh này sẽ chịu nhiều áp lực trong cuối năm nay do các TTCK mới nổi đang suy giảm.
Ngược lại, lợi nhuận của mảng ngân hàng tiêu dùng giảm 1,1%, xuống 1,94 tỷ USD, trong đó có tác động của sự suy giảm tại thị trường Bắc Mỹ. Nhưng Corbat và các lãnh đạo Citigroup trong buổi họp với giới phân tích tài chính nói rằng, Ngân hàng kỳ vọng mảng kinh doanh ngân hàng tiêu dùng ở các thị trường mới nổi sẽ vẫn mạnh, do đó Ngân hàng duy trì tập trung vào các thị trường quốc tế.
“Chúng tôi vẫn đánh giá rằng, các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều các nền kinh tế phát triển”, đại diện Citigroup nói.
Từ khi Mỹ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Citigroup đã tập trung phát triển tại Mỹ Latin, châu Á và giảm bớt sự hiện diện ở Mỹ. Hiện tại, thách thức đối với Ngân hàng lại là tăng trưởng ở các thị trường Mỹ Latin và châu Á sẽ chậm lại.
Tuy nhiên, Todd Hagerman, chuyên viên phân tích của Sterne, Agee & Leach Group Inc. nói rằng, các thị trường mới nổi là những ẩn số khó đoán đối với tăng trưởng của Ngân hàng và các nhà đầu tư đang bước đi cẩn trọng tại những thị trường này, khi mà nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu ớt, thậm chí có xu hướng chậm lại hơn nữa.
Bản thân Giám đốc tài chính John Gerspach của Citigroup chia sẻ, Ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm bớt dự báo về các thị trường mới nổi.
“Rõ ràng, tăng trưởng của các thị trường mới nổi đang chậm lại”, John Gerspach nói.
Về Bajaj, một nguồn tin cho biết, ông này có 26 năm làm việc cho Citigroup, hiện đang ở Hồng Kông, nơi ông chủ yếu là trưởng khu vực phụ trách các cấp lãnh đạo của các tổ chức tài chính thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bajaj sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Jonathan Larsen, trưởng bộ phận ngân hàng tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là trưởng toàn cầu của mảng ngân hàng bán lẻ. Bajaj cũng sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Sunil Garg, giám đốc toàn cầu ngân hàng thương mại của Citigroup.
Trước đó, Bajaj đứng đầu bộ phận dịch vụ giao dịch ở Nam Á trong 7 năm và hoạt động ở Mumbai. Ông còn là trưởng bộ phận ngân hàng thương mại bộ phận Nam Á của Citigroup, trưởng thanh toán toàn cầu cho dịch vụ quản lý tiền ở New York và nằm trong cấp quản lý các thị trường mới nổi đặt tại London.
Bajaj có bằng MBA của Trường Jamnalal Bajaj Institute of Management Studies và tốt nghiệp bằng toán học của Trường Bombay University .