Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/2016 vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng 28/10 tại Hội thảo tình hình kinh tế vĩ mô quý III/2016 và vấn đề Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, mặc dù nền kinh tế 3 quý năm 2016 phục hồi chậm, song Việt nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á.
Theo nhận định tại báo cáo, bối cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm tiếp tục chứng kiến sự giao thoa mạnh mẽ giữa chuyển biến tích cực và thách thức, giữa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và xử lý các vấn đề tái cơ cấu, cũng như giữa cải cách trong nước và hội nhập.
Trong bối cảnh ấy, tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm, gắn với đà tăng chưa thực sự vững chắc của đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, CIEM cho rằng, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài... vẫn rất đáng trân trọng trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, bất định.
Thực tế, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tương đối cao so với nhiều nước ở khu vực và trên thế giới. Đây chính là nền tảng để tiếp tục kỳ vọng về đà tăng trưởng kinh tế trong quý cuối của năm 2016 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, theo báo cáo công bố, nền kinh tế quý III đã có sự phục hồi tuy còn chậm, lạm phát và và mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với hầu hết các nước trong khu vực... GDP trong quý III/2016 của Việt Nam tăng 6,62% so với cùng kỳ 2015.
Nền kinh tế quý III đã có sự phục hồi tuy còn chậm, lạm phát và và mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với hầu hết các nước trong khu vực... GDP trong quý III/2016 của Việt Nam tăng 6,62% so với cùng kỳ 2015.
Khu vực công nghiệp-xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, tăng 8,1% trong quý. Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đã tăng trưởng trở lại (tăng 1,48%), nhưng còn không ít khó khăn. Giá trị gia tăng của dịch vụ tăng 7,03%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý III và 9 tháng đầu năm tăng tương ứng là 15,77% và 19,2%.
Những chuyển biến trên theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung là do hiệu quả từ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và niềm tin thị trường, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp ngày một gia tăng. Các doanh nghiệp trong phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tương đối lạc quan về tình hình sản xuất trong quý III cũng như dự báo cho quý IV.
Cả năm GDP ước tăng trưởng 6,33%
Kết quả dự báo của CIEM cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2016 ước đạt 7,19%. Tính chung cả năm 2016, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,33%, không đạt được chỉ tiêu 6,7% cho năm nay năm nay.
Tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm 2016 dự báo tương ứng ở mức 8,82% và 7,44%. Thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD trong quý IV, và lũy kế đạt 4,8 tỷ USD cho cả năm 2016. CPI tiếp tục tăng, dự báo ở mức 1,47% trong quý IV.
Báo cáo cũng phân tích yêu cầu hoàn thiện chính sách cạnh tranh ở Việt Nam. Việt Nam đã có Luật Cạnh tranh từ năm 2005, nhưng chưa có một chính sách cạnh toàn diện và hiệu quả, chưa quan tâm đầy đủ đến xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật về trật tự thị trường, trong đó nền tảng là vấn đề cạnh tranh bình đẳng.
Khung chính sách mới cho huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, trong đó Nhà nước giữ vai trò “trung tính” và ít “trực tiếp” hơn, chậm được hình thành.
Báo cáo đã đưa ra một số giải pháp trước mắt nhằm hướng tới một nền kinh tế thị trường lành mạnh và hiệu quả, bao gồm (i) Nhà nước cần thay đổi vai trò theo hướng chuyển từ can thiệp, điều khiển trực tiếp sang hỗ trợ và định hướng gián tiếp; (ii) Sửa Luật Cạnh tranh theo hướng làm rõ các quy định pháp luật, giảm các trường hợp ngoại lệ, và tăng các hình thức chế tài để đảm bảo tính răn đe; (iii) Triển khai mạnh mẽ chương trình cải cách DNNN theo hướng giảm thiểu phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị và đảm bảo cạnh tranh; (iv) Đẩy mạnh cải cách thể chế, tự do hóa kinh doanh, thúc đẩy ra nhập thị trường, tăng cạnh tranh; và (v) Chuẩn bị các điều kiện về pháp lý và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để có thể thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.
Thảo luận chung tại Hội thảo cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III cao hơn, lạm phát và và mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với hầu hết các nước trong khu vực... Chính phủ mới đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hướng tới cải thiện khả năng cạnh tranh và năng suất lao động trong trung và dài hạn. Định hướng hội nhập quốc tế được cụ thể hóa theo hướng ưu tiên thực hiện hiệu quả kinh tế quốc tế gắn với một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách vi mô có phần chưa tương xứng với kỳ vọng, nhất là các phương diện như cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Khung chính sách mới cho huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, trong đó Nhà nước giữ vai trò “trung tính” và ít “trực tiếp” hơn, chậm được hình thành.
Trong khi đó, các mục tiêu trung gian của chính sách kinh tế vĩ mô còn khá nhiều và đôi khi thiếu nhất quán, khiến hiệu quả chính sách phụ thuộc chủ yếu vào mức độ linh hoạt và khả năng “xoay xở” của các cơ quan hữu trách tại một số thời điểm.
Cũng theo báo cáo của CIEM, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh hơn cùng kỳ 2015, trung bình đạt 2,07% trong 9 tháng đầu năm. Lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm ổn định ở mức 1,81% so với cùng kỳ năm trước (mức tương ứng trong 6 tháng đầu năm là 1,8%). Sức ép đối với chỉ số giá tiêu dùng CPI vẫn hiện hữu, chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy.
Lãi suất huy động VND ổn định và thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, chủ yếu là do: (i) lạm phát ít có biến động mạnh; (ii) gia tăng thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh NHNN mua vào nhiều ngoại tệ; và (iii) áp lực từ giải ngân tín dụng là chưa nhiều. Lãi suất cho vay VNĐ và USD giảm không đáng kể trong quý III. Việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay (cả USD và VNĐ) là không dễ.
Tín dụng ước tăng khoảng 3,31% trong quý III. Giải ngân tín dụng tăng chậm do sự thận trọng của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh xử lý nợ xấu; mặt bằng lãi suất cho vay chưa giảm đáng kể; tiếp cận tín dụng chậm được cải thiện đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; và tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 395 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Tỷ lệ đầu tư so với GDP trong quý III đạt 33,5%. Mức thực hiện đầu tư trong quý III đều cao hơn trong quý II ở mọi nguồn vốn. FDI tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng đầu tư trong nền kinh tế, số vốn đăng ký và vốn giải ngân thực tế xấp xỉ 3,7 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 46,4 tỷ USD quý III (tăng 9,2%) và 124,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm (tăng 6,6%), chủ yếu nhờ đóng góp của khu vực FDI. Nhập khẩu trong quý III đạt 44,4 tỷ USD, tăng 3,5%; trong đó khu vực FDI đạt 26,7 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% trong quý III và 9,5% trong 9 tháng đầu năm. Dịch vụ bán lẻ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất (75,97%).
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong quý III đạt 241,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2015. Tỷ lệ thu NSNN so với GDP đạt 20,8% trong quý III, thấp hơn so với các quý đầu năm và cũng như cùng kỳ 2015. Tính chung 9 tháng đầu năm, thu trong nước đóng góp 80,6% vào tổng thu NSNN. Chi NSNN ước đạt 284,8 nghìn tỷ đồng trong quý III, tương đương 24,6% GDP và bằng 23,4% dự toán.
Chi NSNN trong quý III tăng tới 10,3%; chủ yếu là do: (i) giải ngân đầu tư phát triển nhanh hơn; (ii) chi NSNN ở mức thấp trong cùng kỳ 2015.
Tuy nhiên, theo nhận định của CIEM, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 hầu như không khả thi. Ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,3-6,5% được điều chỉnh cho cả năm cũng đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực chính sách trong quý IV.