Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn cho biết, châu Á vẫn là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu. Tỷ lệ dịch vụ và tiêu dùng ngày càng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của các nước. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, hiện không còn tập trung vào ngành đầu tư, mà chú trọng nhiều vào tiêu dùng. Quá trình tái cân bằng ở Trung Quốc hiện nay có thể sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia xuất khẩu hàng tiêu dùng.
Phân tích được đưa ra từ các chuyên gia cũng cho rằng, 3 thập kỷ phát triển của kinh tế Việt Nam dựa trên 3 rường cột quan trọng: xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. Lâu nay, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu, tuy nhiên, nền tảng này chưa thể phát huy hết nội lực của kinh tế về lâu dài.
"Muốn kinh tế tăng trưởng mạnh, đòi hỏi trước tiên là phải nâng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiêu dùng từ mức 4,4% hiện nay lên mức 5,5% trong thời gian tới"
- TS. Nguyễn Xuân Thành.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa phải là quốc gia có nguồn vốn lớn và kỹ năng tốt để theo đuổi mạnh mẽ con đường đầu tư hạ tầng cơ sở, công nghiệp quy mô lớn. Trong khi kinh tế tiêu dùng hiện diện từ lâu, song chưa được tư duy thấu đáo và hành động đúng. Vì vậy, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng, theo các chuyên gia, kinh tế tiêu dùng cần được lựa chọn như là “bàn đạp” cho sự tăng trưởng GDP.
Phát biểu tại hội thảo “Làm giàu từ kinh tế tiêu dùng” diễn ra ngày 20/10 tại TP. HCM, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam cho rằng, muốn kinh tế tăng trưởng mạnh, đòi hỏi trước tiên là phải nâng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiêu dùng từ mức 4,4% hiện nay lên mức 5,5% trong thời gian tới. Bởi kinh tế tiêu dùng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP. Ví dụ, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt khoảng 6%, thì trong đó có đến 4,4%, thậm chí 5% được đóng góp từ kinh tế tiêu dùng.
Theo TS. Thành, GDP năm nay chỉ có thể đạt 5,9%, không đạt được mục tiêu kỳ vọng ban đầu là 6,7%. Một phần, do sự sụt giảm của kinh tế tiêu dùng, cho dù kinh tế đầu tư không hề giảm. Tiêu dùng của Việt Nam không chỉ đến từ sản xuất trong nước, mà còn đến từ đầu tư tiêu dùng của nước ngoài.
Tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình trong GDP Việt Nam giảm đi theo thời gian, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Đến nay, tiêu dùng của Việt Nam chiếm đến 65% GDP. Trên thực tế, không chỉ với Việt Nam luôn có sự đóng góp lớn từ tiêu dùng của người dân vào GDP, mà ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc… cũng luôn có tỷ lệ tiêu dùng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng trong ngắn hạn đó chính là giá cả hàng hóa giảm, còn dài hạn chính là xu hướng tiêu dùng, cũng như nhu cầu tín dụng tiêu dùng trong nước đang từng bước gia tăng. Thực tế cho thấy, tín dụng tiêu dùng và tín dụng bất động sản (hay còn gọi là tín dụng phi sản xuất) hiện có mức tăng mạnh nhất, cho dù Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp để kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Tỷ trọng tăng trưởng tín dụng bình quân của ngành ngân hàng năm nay ước đạt khoảng 19%, trong đó tín dụng tiêu dùng và bất động sản chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Tổng giám đốc một công ty tài chính ở Việt Nam cũng cho hay, có 3 yếu tố chính thể hiện tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, đó là quy mô dân số lớn, độ tuổi lao động cao và thu nhập của người dân tăng trưởng nhanh. Do đó, nhu cầu của người dân qua các dịch vụ tài chính sẽ tiếp tục cao trong thời gian tới.
Rõ ràng, ngân hàng bán lẻ cũng như ngành tài chính tiêu dùng đều là những phân khúc hoạt động rất hiệu quả khi kinh tế tiêu dùng tăng trưởng theo thời gian. Đó là lý do tại sao ngân hàng và các tổ chức trên thế giới tập trung vào các phân khúc này. Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tăng trưởng tiêu dùng chỉ bền vững khi được hỗ trợ bởi: năng suất lao động, chất lượng thể chế, quản trị nhà nước và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì thế, chất lượng của hàng hóa tiêu dùng, cũng như chất lượng của môi trường sống… là những yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế tiêu dùng.
Có 4 yếu tố quyết định người thắng cuộc trên thị trường tài chính tiêu dùng được các chuyên gia tài chính và nhà phân phối sản phẩm đưa ra gồm: thứ nhất, sản phẩm phải phù hợp và linh hoạt dành cho khách hàng có thu nhập trung bình; thứ hai, có mạng lưới phân phối phù hợp với quy mô dân số; thứ ba, quản trị rủi ro tốt; thứ tư, phát triển yếu tố con người (thu hút nhân tài, đào tạo kỹ năng cho nhân viên…).