Thưa ông, mặc dù tăng trưởng GDP quý III đạt 5,93%, cao hơn quý I và quý II, nhưng mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay chỉ đạt 6% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6,7%?
Số liệu mà ADB lấy làm cơ sở để đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dựa trên cơ sở dữ liệu của 6 tháng đầu năm - thời gian hoạt động sản xuất - kinh doanh của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp khai thác dầu thô… Tuy vậy, ADB vẫn dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ tốt lên, nhờ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng và Chính phủ đẩy mạnh giải ngân chi đầu tư cơ bản.
So với cùng kỳ năm 2015, GDP quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78%, quý III tăng 6,4% và 9 tháng đầu năm tăng 5,93%. Như vậy, kỳ vọng của ADB vào nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm không sai. Tuy nhiên, theo tôi, GDP năm nay nhiều khả năng cao hơn mức 6% như ADB dự báo, vì nhiều yếu tố cho thấy, tăng trưởng GDP quý IV sẽ rất ấn tượng.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)
Dựa vào đâu mà ông cho rằng, tăng trưởng GDP quý IV sẽ rất ấn tượng?
Cả 3 khu vực kinh tế trong quý III đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, nếu như trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%; dịch vụ tăng 6,35%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, thì kết thúc 9 tháng đầu năm, các khu vực này tăng trưởng lần lượt 7,50%; 6,66%; 0,65% nhờ tốc độ tăng trưởng trong quý III đạt khá cao. Ấn tượng nhất là tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012. Hầu hết các lĩnh vực của khu vực dịch vụ đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ, như bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thông tin và truyền thông; nghệ thuật, vui chơi và giải trí.
GDP năm nay nhiều khả năng cao hơn mức 6% như ADB dự báo, vì nhiều yếu tố cho thấy, tăng trưởng GDP quý IV sẽ rất ấn tượng.
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại trong 9 tháng đầu năm rất ấn tượng: trên 81.450 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với 629.100 tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đây là nền tảng để kinh tế quý IV tăng tốc.
Nhưng phần nhiều doanh nghiệp thành lập mới chưa đi vào hoạt động ngay, nên ít tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, thưa ông?
Đúng là có hơn 2.000 doanh nghiệp thành lập mới chưa đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh ngay, nhưng hầu hết doanh nghiệp (79.000 doanh nghiệp) sau khi đăng ký thành lập đều đầu tư nhà xưởng, thiết bị, máy móc, mua nguyên nhiên vật liệu và phải đầu tư trụ sở, văn phòng cũng như mua sắm trang thiết bị, phương tiện cho hoạt động điều hành. Như vậy, dù chưa đi vào hoạt động ngay, nhưng những doanh nghiệp này ngay lập tức tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh chung của cả nền kinh tế.
Trong khi đó, một số lượng lớn doanh nghiệp đi vào hoạt động ngay sau khi thành lập, cộng thêm với số doanh nghiệp tăng vốn và 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sẽ là động lực để GDP tăng tốc trong quý IV.
Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới, tăng vốn, quay trở lại hoạt động, như ông nói, sẽ tác động tích cực đến GDP, thì trên 53.460 doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng tác động tiêu cực đến GDP?
Trước hết phải khẳng định, trong cơ chế thị trường, việc có một tỷ lệ doanh nghiệp sau khi thành lập, hoạt động thì giải thể, phá sản, đóng cửa là chuyện bình thường. Đây là sự thanh lọc của cơ chế thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Nhiều người lo ngại, việc doanh nghiệp đang hoạt động, gặp khó khăn phải giải thể, phá sản, đóng cửa tác động xấu tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu ngân sách nhà nước, tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng GDP. Tôi cho rằng, lo ngại này hơi quá xa, vì trên thực tế, trước khi buộc phải giải thể, phá sản, đóng cửa khá lâu, các doanh nghiệp này đã gặp rất nhiều khó khăn, không thể tái cơ cấu hoặc tái cơ cấu không hiệu quả. Có nghĩa là, từ khá lâu trước khi giải thể, phá sản, đóng cửa các doanh nghiệp này đã gần như không hoạt động, càng hoạt động càng lỗ, không có doanh thu, không có đóng góp vào ngân sách nhà nước. Vì thế, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động không tác động xấu tới tăng trưởng GDP.
Theo ông, doanh nghiệp có tin rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh quý IV khả quan hơn 3 quý đầu năm?
Số liệu khảo sát xu hướng sản xuất - kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo (ngành đóng góp đóng 80 - 90% vào mức tăng của toàn ngành công nghiệp) vừa được Tổng cục Thống kê tiến hành cho thấy, so với quý III, trong quý IV có 85,5% doanh nghiệp trong ngành này tin rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ sẽ tốt lên hoặc giữ được như hiện tại. Trong khi đó, tỷ lệ này trong quý III (so với quý II) là 80,3%.
Cụ thể hơn, dự báo về tình hình hoạt động trong quý IV so với quý III, có tới 86,3% số doanh nghiệp tin rằng, khối lượng sản xuất sẽ tăng lên hoặc giữ nguyên; 86,6% doanh nghiệp hy vọng tăng được đơn đặt hàng mới, ít nhất cũng không giảm; gần 85% doanh nghiệp tin là sẽ tăng được hợp đồng xuất khẩu mới hoặc ít nhất cũng không giảm; 91,3% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô lao động hoặc giữ ổn định…