Hiện có hơn 300 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên 2016. Trong đó, theo thống kê của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), 5 doanh nghiệp có tiền và tương đương tiền tại thời điểm 30/6/2016 cao nhất là: GAS, PVS, DPM, FPT, NT2, tổng cộng hơn 34.500 tỷ đồng. Ngoài FPT thì 4 doanh nghiệp còn lại đều thuộc “họ” dầu khí.
Trong một lần trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nguồn tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, từ năm 2016, nếu giá dầu không có sự thay đổi theo hướng tích cực thì nguồn vốn bổ sung cho quỹ đầu tư phát triển là rất khó khăn (xem bảng). Trong các kịch bản giá dầu 60, 50, 40, 30 USD/thùng, nguồn bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của Tập đoàn ở mức rất thấp so với nhu cầu đầu tư. Nguồn bổ sung chỉ khoảng 2.000 - 4.000 tỷ đồng/năm, trong khi nhu cầu đầu tư từ vốn chủ sở hữu của Tập đoàn giai đoạn 2015 - 2016 khoảng 45.000 - 53.000 tỷ đồng/năm.
6 tháng đầu năm, giá dầu duy trì ở mức thấp, dưới 50 USD/thùng, khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu các doanh nghiệp hàng đầu ngành dầu khí có duy trì chính sách tiền mặt cao? Có áp lực nào buộc PVN - hiện đang là cổ đông lớn nhất (gần như chi phối các doanh nghiệp trên) đưa ra chính sách mới liên quan đến dòng tiền ở các doanh nghiệp?
Câu trả lời là có thể. Trong một văn bản đề xuất lên Chính phủ, PVN đã đề nghị cho phép Tập đoàn xây dựng hệ thống cơ chế giá khí nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp xử lý, chế biến sâu khí; cho phép Tập đoàn thúc đẩy đàm phán chuyển nhượng Dự án khí Lô B - Ô Môn và triển khai đồng bộ các công việc thực địa nhằm sớm đưa khí từ dự án này vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; cho phép Tập đoàn được thực hiện các dự án nhiệt điện khí khai thác khí từ lô B theo quy hoạch để chủ động trong việc triển khai đồng bộ các khâu từ phát triển mỏ đến tiêu thụ khí.
Đặc biệt, để đảm bảo nguồn tài chính cho đầu tư phát triển của PVN trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Tập đoàn đề nghị được chủ động thực hiện thoái một phần vốn ở một số đơn vị thành viên và được để lại phần thặng dư từ cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm bù đắp cho quỹ đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, PVN chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ như PVS có giải pháp hạ giá dịch vụ, ngược lại yêu cầu các đơn vị sử dụng dịch vụ hạn chế tối đa giao thầu cho các đơn vị bên ngoài thực hiện.
Với những doanh nghiệp vừa rủng rỉnh tiền mặt, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số như CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), nhà đầu tư có thể trông chờ gì về chính sách cổ tức trong tương lai? Năm 2015, với lợi nhuận sau thuế 32%, BMP đã chia cổ tức tỷ lệ 60%, liệu năm 2016, cổ tức có tiếp tục ở mức cao? Theo một tài liệu hướng dẫn người đại diện vốn nhà nước tham gia HĐQT của BMP bỏ phiếu về vấn đề cổ tức, việc có quá nhiều tiền mặt hoặc dự trữ trong doanh nghiệp không nên xảy ra. Trong trường hợp doanh nghiệp dư dật thặng dư sẽ được phân chia cho các cổ đông.
Người đại diện cũng được hướng dẫn sẽ không tán thành các trường hợp: nếu tỷ lệ chia cổ tức bị giảm, mặc dù tỷ lệ vốn chủ sở hữu đủ cao, không cần thiết phải tăng dự trữ nội bộ và không có lý giải hợp lý; khi HĐQT tăng phần thù lao và tiền thưởng cho HĐQT và tăng dự trữ cho Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi mà không làm tăng giá trị của cổ đông và không có lý giải hợp lý, hoặc việc phân chia lợi nhuận không tuân theo các quy định của luật pháp. Người đại diện theo dõi quá trình ra quyết định của HĐQT về chính sách phân phối lợi nhuận, yêu cầu HĐQT tăng tỷ lệ cổ tức và quan tâm tới tính hợp lý của chính sách phân chia thu nhập.
Với quan điểm của một trong những cổ đông có trọng lượng nhất tại BMP như trên, rõ ràng các cổ đông khác có cơ sở để tin rằng, khi Công ty “đầy túi”, cổ đông sẽ có thêm tiền, chứ không phải trông chờ vào… thì tương lai.