Chuyên gia Savills chỉ ra 3 yếu tố giúp doanh nghiệp địa ốc vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Làn sóng Covid-19 lần 2 dù tạm thời được khống chế, nhưng các doanh nghiệp địa ốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Năm nay, các hoạt động mở bán, giới thiệu sản phẩm mới bị đình trệ nhiều do tác động từ Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn. Năm nay, các hoạt động mở bán, giới thiệu sản phẩm mới bị đình trệ nhiều do tác động từ Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong bản nhận định "Giải pháp vượt khó và đầu tư bất động sản sau Covid-19 lần thứ 2" vừa được Savills Việt Nam công bố, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Việt Nam lưu ý về 3 yếu tố giúp doanh nghiệp vượt khó.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố pháp lý.

Pháp lý tốt sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bất khả kháng như đại dịch và phát triển bền vững. Pháp lý rõ ràng sẽ hỗ trợ cho tính thanh khoản của sản phẩm, trong trường hợp không thanh khoản ngay được, thì doanh nghiệp vẫn tìm được các phương án phù hợp để tạo ra tính thanh khoản, hỗ trợ quá trình đầu tư.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng

Bà Đỗ Thị Thu Hằng

Thứ hai, doanh nghiệp cần phải tính đến yếu tố chiến lược dành cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Có những dòng sản phẩm không phù hợp kinh doanh vào thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp cần rà soát lại các đối tượng khách hàng, các phân khúc ở từng địa bàn mà doanh nghiệp có thể khai thác.

Đơn cử, các chủ đầu tư hiện nay hướng đến việc đầu tư vào bất động sản đô thị có khung pháp lý tốt ở nhiều tỉnh, thành phố. Những dòng sản phẩm này sẽ hướng nhiều đến thu hút khách hàng tại địa phương, sau đó là khách từ các địa phương lân cận, đồng thời sẽ gia tăng và mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu nếu có chất lượng cạnh tranh tương đồng với các sản phẩm ở đô thị lớn.

Thứ ba, yếu tố hoàn thiện hóa hệ sinh thái của dự án. Yếu tố này rất cần được coi trọng, như phát triển thêm các dòng sản phẩm, tiện ích mới, những sản phẩm tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tính an toàn, hoặc có nguồn cầu lớn mà chưa được thử nghiệm khai thác, như sản phẩm chăm sóc người già kết hợp nghỉ dưỡng.

Theo bà Hằng, covid-19 làm cho tiến trình triển khai các dự án chậm lại, nhưng cũng là dịp để các chủ đầu tư xem xét việc phát triển áp dụng công nghệ 4.0 vào việc hỗ trợ bán sản phẩm, quản lý vận hành bất động sản… Các chủ đầu tư lớn có điều kiện, chi phí đầu tư nhiều, làm ra các sản phẩm bài bản, sẽ tạo được sự khác biệt trong tương lai. Tuy nhiên các chủ đầu tư ở quy mô và năng lực vừa phải hơn, thì nên tính đến việc tích hợp công nghệ 4.0 ở mức có thể.

Đại diện Savills Hà Nội cũng cho rằng, trong xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng và các yêu cầu của nhà đầu tư thay đổi, các chủ đầu tư cần tính toán tạo ra các sản phẩm gần với giá trị mở bán, thay vì chỉ dựa vào các yếu tố bên ngoài như các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội lớn, để bán với giá cao. Ví dụ, đầu tư thực chất vào các yếu tố đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, tiện ích đa dạng… sẽ dẫn đến hiện tượng mặt bằng giá tăng lên.

“Trong đầu tư bất động sản, nếu đầu tư ngắn hạn thì nhà đầu tư cần cân nhắc tập trung vào các dòng sản phẩm ở khu vực có nhu cầu cao, thanh khoản tốt, nguồn cung sản phẩm hạn chế. Song, vẫn có một thực tế là cần đầu tư bất động sản với một tầm nhìn dài hạn. Các sản phẩm đô thị có ưu thế hơn so với sản phẩm nghỉ dưỡng vì trong bối cảnh hiện tại, giới đầu tư thường đặt ra câu hỏi liên quan đến vấn đề kiểm soát dịch và việc quản lý khai thác các dòng sản phẩm đầu tư đó”, bà Hằng nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục