Trong bối cảnh Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về hiệu quả chống đại dịch COVID-19, giới chuyên gia tiếp tục đi sâu phân tích những yếu tố giúp Việt Nam thành công.
Giáo sư Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Quốc gia St.Petersburg (Nga) nhận định với thành công trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, Việt Nam đã cho thấy rõ hệ thống quản lý hoạt động rất hiệu quả.
Chuyên gia Nga cho rằng nghệ thuật quản lý là sử dụng các nguồn lực hạn chế để giải quyết các vấn đề cụ thể, và ở đây Việt Nam rất nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của virus với tất cả các nỗ lực đều nhằm phòng tránh đến mức tối đa nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh.
Theo Giáo sư Kolotov, cơ sở của hệ thống quản lý này đã được phát triển trong các cuộc kháng chiến trước đây ở Việt Nam, tiềm năng huy động sức dân được duy trì và được sử dụng đầy đủ trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.
Ở thời điểm hiện tại, hệ thống này được hiện đại hóa, cải tiến, có sử dụng các công nghệ thông tin và Internet.
Ông Kolotov nêu rõ điều chính yếu trong hệ thống này là khối đại đoàn kết toàn dân, tính kỷ luật cao và nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình huống này.
Chính quyền cung cấp cho người dân vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của chính quyền.
Chuyên gia Kolotov nhấn mạnh Việt Nam đã tập trung mọi nỗ lực để tạo ra một hệ thống rõ ràng, mạch lạc và minh bạch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và phát hiện sớm các ca nhiễm. Hệ thống này đã nhận được sự ủng hộ của người dân.
Trong khi đó, ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế tại Mekong Economics, chia sẻ cách Việt Nam đối phó với dịch COVID-19 lần này đã cho thế giới thấy “Việt Nam vô cùng sáng suốt trong cách xử lý vấn đề."
Ông Fred Burke, nhà điều hành công ty luật Baker McKenzie tại Thành phố Hồ Chí Minh (công ty tư vấn cho chính phủ về các quy định đầu tư nước ngoài) thì nhận định Việt Nam đã đối phó với dịch SARS, dịch cúm gia cầm và nhiều cuộc khủng hoảng tài chính khác nhau, nên với đại dịch COVID-19 “Việt Nam biết rằng cần hành động nhanh và triệt để.”
Theo ông, Việt Nam đang trong “tâm thế tốt” để phục hồi nhanh.