Họp trực tuyến, không tiến hành chất vấn trực tiếp như thông lệ là hai điểm đặc biệt của kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, đều liên quan đến dịch Covid-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/5/2020, dự kiến bế mạc vào ngày 19/6/2020.
Tại thông báo mời họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp tiến hành theo 2 đợt.
Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 4/6-2020)
Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 10/6 đến ngày 19/6/2020).
Việc họp trực tuyến là nhằm hạn chế số lượng người tập trung tại Nhà Quốc hội, phòng chống dịch Covid-19.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất dự kiến không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.
Cuối tuần trước, khi xem xét việc chuẩn bị kỳ họp, các ý kiến thảo luận tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí không tiến hành chất vấn trực tiếp - hoạt động được cử tri rất quan tâm trong mỗi kỳ họp Quốc hội - vì "Chính phủ lo chống dịch Covid-19 đã mệt lắm rồi".
Nội dung kỳ họp cũng có một số điều chỉnh đáng chú ý.
6 dự án, dự thảo được bổ sung gồm Luật Cư trú (sửa đổi); các dự thảo Nghị quyết về: phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
2 dự án luật rút khỏi chương trình gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo chương trình dự kiến gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, trong phiên khai mạc trực tuyến Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19).
Chiều cùng ngày nghe tờ trình, báo cáo thuyết minh, báo cáo thẩm tra và thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Thay vì thảo luận tại tổ như thông lệ, kỳ này báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung về tình hình phòng, chống dịch Covid-19) và một số nội dung khác sẽ được thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội. Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (đại biểu công tác tại Hà Nội nhưng không thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thì sẽ tham gia thảo luận cùng Thường trực Hội đồng Dân tộc hoặc Thường trực Ủy ban của Quốc hội.
Trong đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội thì các phiên thảo luận tổ diễn ra theo thông lệ.
Nội dung thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác cũng được tiến hành ở đợt hai này.
Trong bối cảnh dịch bệnh, việc tiếp xúc cử tri cũng sẽ linh hoạt hơn. Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cách thức phù hợp để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ban Dân nguyện) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.