Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc kiểm tra, đánh giá và kết luận của đoàn chuyên gia này sẽ độc lập so với kết luận của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Kết quả phân tích mẫu cá khá đa dạng
Theo Bộ KH&CN, tới 4/5, gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước đang tham gia vào quá trình phân tích nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.
Các chuyên gia đã lấy hàng trăm mẫu gồm mẫu cá chết trên biển, mẫu cá chết trong lồng, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du, để phân tích độc tố, bệnh dịch thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số về môi trường nước. Các số liệu về động đất cũng được thu thập để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra.
Thu thập số liệu về viễn thám để phân tích dòng chảy, nhiệt độ, hàm lượng chlorophylla, sự hiện diện của dầu loang. Các nhà khoa học bước đầu loại trừ một số nguyên nhân để tập trung vào hai nguyên nhân sinh học (tảo nở hoa) và nguyên nhân hóa học (độc tố thải ra biển).
Bộ KH&CN cũng vừa thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia do GS. VS Châu Văn Minh làm chủ tịch để phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung, tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu về tác nhân hóa học, sinh học, khí tượng, thủy văn và động lực.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, quá trình phân tích mẫu ở các cơ quan nghiên cứu cho thấy, có sự khác nhau trong kết quả phân tích mẫu cá, trầm tích, nước biển ở các cơ quan nghiên cứu khác nhau. Vì thế, chưa thể khẳng định nguyên nhân làm cá chết hàng loạt.
Đề xuất phục dựng hiện trường cá chết
Đây là đề xuất của PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo.
Theo ông Ca, người dân nói rằng, cá chết bắt đầu từ ngày 6/4. Tuy nhiên, ngày 18/4, khi cá chết đã dạt vào bờ biển Quảng Trị, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và các cơ quan khác mới vào cuộc để xác minh nguyên nhân.
Vì biển là không gian liên thông và thay đổi liên tục với các quá trình động lực, môi trường rất mạnh mẽ, trong hầu hết các trường hợp, khi phát hiện ra cá chết thì hiện trường gây ra cá chết đã thay đổi gần như hoàn toàn.
Do vậy, để biết được nguyên nhân cá chết cần phục dựng hiện trường. Phục dựng hiện trường là dùng các kiến thức khoa học, công nghệ để tái hiện lại các điều kiện xả thải, khí tượng, thủy hải văn và môi trường tại thời điểm cá chết. Nhờ đó, giúp tìm được các khả năng về các nguyên nhân gây ra cá chết và xác định quy mô khu vực cá chết.
PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết, nếu cá chết vì độc chất vô cơ do con người thải ra, khả năng chất độc này được xả xuống tầng đáy và do xả chất độc, cá tầng đáy sẽ chết tại một khu vực hẹp ở gần khu vực ống xả nước thải. Tính sơ bộ thì ở xa khu vực thải một khoảng cách cỡ vài ba chục kilômét, nói chung chất độc sẽ bị pha loãng tới mức không đủ để làm cho cá chết.
Nếu như cá tầng đáy chết tại khu vực biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, lượng cá chết này sẽ được dòng chảy biển từ bắc xuống nam mang vào Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, thậm chí tới Đà Nẵng. Không thể có khả năng chất độc được xả xuống ở Hà Tĩnh mà lại lan truyền tới tận Quảng Bình và gây chết cá ở đó.