Ngoài kiểm tra, đoàn còn tiến hành lấy mẫu nước ở tầng mặt và tầng đáy, đồng thời lấy mẫu trầm tích để truy tìm nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Mặc dù trước đó các Bộ, ngành cũng đã lấy mẫu nước và mẫu trầm tích để xác định nguyên nhân. Nhưng lần này đoàn tiếp tục lấy các mẫu để so sánh, đối chiếu, đồng thời kiểm tra xem có thành phần kim loại nặng hay không”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ giao cho các cơ quan chức năng của Bộ cũng như Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với Formosa để xem xét lại hệ thống nước thải. Với pháp luật Việt Nam, hệ thống ống xả thải ngầm là điều sai quy định. Chúng tôi sẽ đề nghị có biện pháp giám sát hệ thống này và đưa ống xả thải lên mặt đất để dễ kiểm tra giám sát việc xả thải.
Chúng tôi cũng đề nghị có quan trắc tự động phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh để cung cấp số liệu trực tuyến dễ theo dõi, đồng thời lắp camera trực tiếp theo dõi toàn bộ hoạt động giám sát khi xả thải và lắp đặt các thiết bị tự động để Sở Tài nguyên - Môi trường chủ động kiểm tra chỉ số chất thải của nhà máy”.
“Mặc dù chưa khẳng định nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt trong thời gian qua nhưng các Bộ ngành đã có những sự nỗ lực. Tuy vậy, việc điều phối, triển khai xử lý sự cố còn lúng túng, việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Với tư cách là Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, tôi xin nhận khuyết điểm” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Được biết, sau khi kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh, đoàn của Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã đến kiểm tra hệ thống xử lý nước thải, quan trắc môi trường tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Hà Tĩnh.