Chuyên gia IHS Markit: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng lên trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã phục hồi trở lại và dự báo sẽ tăng cao trong năm 2022 sau hơn 1 năm OPEC và các đồng minh cầm trịch thị trường.
Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo đạt mức 11,85 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2022. Ảnh: AFP. Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo đạt mức 11,85 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2022. Ảnh: AFP.

Trả lời phỏng vấn đài CNBC, ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh) dự báo sản lượng dầu mỏ của Mỹ có thể tăng thêm 900.000 thùng mỗi ngày trong năm 2022.

Trước đó, các công ty dầu mỏ Mỹ đã buộc phải cắt giảm sản lượng vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 làm "đóng băng" nhu cầu và nguồn cung vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, quốc gia này sản xuất 12,29 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong năm 2019. Con số này giảm còn 11,28 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2020 và ước đạt 11,18 triệu thùng trong năm 2021. Sang năm 2022, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên mức 11,85 triệu thùng mỗi ngày.

"Mỹ đã trở lại", ông Daniel Yergin đánh giá. "Trong một năm rưỡi qua OPEC+ đã cầm trịch thị trường, nhưng hoạt động sản xuất dầu mỏ của Mỹ đã phục hồi và sản lượng sẽ tăng cao hơn trong năm 2022".

Ông Daniel Yergin cho biết Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã có 2 cuộc trao đổi qua yêu cầu các công ty dầu mỏ tăng sản lượng. "Tất nhiên, điều đó là bởi chính quyền Tổng thống Biden quan tâm hoặc lo ngại sâu sắc về lạm phát và các tác động chính trị của nó", Phó chủ tịch IHS Markit nói thêm.

Ông Daniel Yergin dự đoán giá dầu sẽ dao động trong ngưỡng 65 - 85 USD/thùng còn kịch bản giá dầu leo lên mức 100 USD là khó xảy ra "trừ khi một số bất ổn địa chính trị lớn xảy ra".

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã tăng 0,49% lên 79,62 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 30/12 (giờ châu Á), còn giá dầu thô giao sau của Mỹ tăng sát nút 0,47% lên 76,92 USD/thùng.

Liên quan đến quan hệ Mỹ-Nga, ông Daniel Yergin cho rằng nhiều khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có ý định chấp nhận Ukraine gia nhập khối này.

Căng thẳng tại biên giới Nga-Ukraine đã leo thang trong nhiều tuần qua, và Mỹ cùng các đồng minh châu Âu tỏ ra quan ngại trước việc Nga tăng cường quân đội ở khu vực biên giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc trao đổi qua video vào ngày 7/12. Theo đó, ông Putin yêu cầu Ukraine phải bị từ chối trở thành thành viên NATO, nhưng phía Mỹ không chấp nhận yêu cầu này.

Ông Daniel Yergin cho rằng: "Ukraine sẽ không trở thành một phần của NATO". Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được một thỏa thuận "giữ thể diện cho các bên", Phó chủ tịch IHS Markit nói.

Các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine gia nhập NATO sẽ trở nên khó khăn, nhưng "ít nhất các bên sẽ có các cuộc trao đổi về vấn đề này", ông Daniel Yergin bình luận.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục