Chuyên gia: 'Dịch viêm phổi là cú sốc với Trung Quốc'

Giới chuyên gia nhận định dịch viêm phổi là cú sốc với cả hệ thống của Trung Quốc, tác động lớn đến kinh tế xã hội nước này và kinh tế toàn cầu.
Các nhân viên y tế Trung Quốc hỗ trợ bệnh nhân tại Vũ Hán ngày 27/1. Ảnh: AP. Các nhân viên y tế Trung Quốc hỗ trợ bệnh nhân tại Vũ Hán ngày 27/1. Ảnh: AP.

"Dịch viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra là một cú sốc lớn với cả hệ thống của Trung Quốc, đặc biệt là ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc", Giáo sư Dali Yang, Đại học Chicago, Mỹ, nói với VnExpress

Từ khi được phát hiện tại Vũ Hán vào tháng 12/2019, đến ngày 11/2, dịch cúm do virus corona (nCoV) đã khiến hơn 1.000 người chết trên toàn cầu, trong đó có hai trường hợp được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines và một người đàn ông 39 tuổi ở Hong Kong.

Con số này đã vượt số ca tử vong vì đại dịch SARS năm 2002-2003 là 813 người, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Số người nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục là hơn 42.300, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu lên hơn 42.700 người.

Dịch bệnh đã lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều người Trung Quốc cảm thấy lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo ông Yang, số liệu thống kê chính thức về người thiệt mạng có thể thấp hơn so với thực tế do tình hình khẩn cấp của dịch bệnh. Không phải tất cả các bệnh nhân đều được chẩn đoán đúng cách. 

"Lệnh phong tỏa và cách ly ở nhiều thành phố gây căng thẳng cho người dân, tác động tiêu cực đến nhiều người, nhưng lãnh đạo Trung Quốc vẫn phải quyết định thực hiện. Đó là cái giá nhằm ngăn chặn virus", ông Yang nói. 

Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các bệnh viện dã chiến, với quy mô gần 7.000 giường, điều nhân viên y tế ở khắp nước đến hỗ trợ tỉnh Hồ Bắc.

Khoảng 50 triệu người đang bị phong tỏa. "Bắc Kinh đang huy động tổng lực chưa từng có trong lịch sử để đối phó dịch bệnh", ông Yang đánh giá.

Giáo sư Yang cho rằng việc bùng phát dịch viêm phổi do nCoV là một cuộc khủng hoảng lớn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối diện.

Tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc đã công bố tình trạng khẩn cấp mức độ 1, là mức cao nhất.

Khi dịch lan nhanh, ông Yang cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm trong cả hệ thống của Trung Quốc.

Trên thực tế, các bác sĩ cần lên tiếng cảnh báo dịch đã bị chính quyền địa phương phạt, khiến các hoạt động ngăn chặn virus bị chậm trễ. Giáo sư Yang cũng đặt nghi vấn về nỗ lực kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc. 

Đến ngày 20/1, giới chức Trung Quốc tích cực hành động, khi bệnh viêm phổi đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. 

Ngày 23/1, chính quyền thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch viêm phổi ra lệnh phong tỏa. Các tỉnh khác của Trung Quốc cũng áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn virus lan rộng. 

Ông cho rằng cần làm rõ việc lãnh đạo cấp quốc gia Trung Quốc đã tham gia xử lý sự cố trước ngày 20/1.

"Trung Quốc chắc chắn cần cải thiện sự minh bạch thông tin, sự sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp và giảm những điểm nghẽn trong hệ thống phòng trừ và kiểm soát dịch bệnh", ông Yang nói.

Nói đến tác động kinh tế do dịch viêm phổi gây ra, giáo sư Yang cho hay mức độ là rất lớn, vì nhiều hoạt động kinh doanh liên quan đến tương tác của con người đều bị ngưng. 

Nhiều nhà máy chưa vận hành trở lại do lệnh cách ly, tác động đáng kể đến kinh tế nước này và thế giới, do Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Năm 2019, thương mại của Trung Quốc chiếm 12,8% thương mại toàn cầu, gấp đôi mức 5,3% năm 2003, theo Tổ chức phân tích Oxford Economics, Anh.

Công ty tư vấn Matthews Asia, Mỹ, đánh giá Trung Quốc hiện chiếm 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bằng tổng của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại.

Lệnh hạn chế đi lại ở nhiều nước khiến ngành hàng không, vận tải và du lịch bị thiệt hại nặng. Việc vận chuyển hàng hóa cũng bị ngưng trệ.

Nhiều doanh nghiệp ngoài Trung Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến của dịch. Sau Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, khi người dân đang trong kỳ nghỉ, hệ quả do dịch viêm phổi có thể nhẹ hơn so với thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, tác động cuối cùng phụ thuộc vào việc dịch bệnh kéo dài bao lâu.

Năm 2003, dịch SARS xuất hiện ảnh hưởng đến khoảng 2% GDP của Trung Quốc. Hiện nay quy mô kinh tế của Trung Quốc cao hơn năm 2003 khoảng 8 lần. 

"Vì thế tác động của dịch do nCoV sẽ mạnh hơn so với 2003, ở cả Trung Quốc và thế giới", ông Yang nói.

Đồng tình với ý kiến này, Mark Humphery Jenner, Đại học New South Wales, Australia, cho rằng vì các nước có mối liên kết với nhau chặt chẽ hơn thời điểm 2003, nên kinh tế các nước trên thế giới hiện chịu ảnh hưởng lớn.

Lợi nhuận của ngành hàng không sẽ giảm mạnh do lệnh cấm bay đến Trung Quốc. Riêng hãng Qantas của Australia, giá cổ phiếu đã giảm gần 5% kể từ ngày 22/1.

Theo Jenner, các nước phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động nhiều hơn. Trung Quốc đóng cửa các nhà máy sẽ khiến lượng hàng nhập khẩu giảm.

Các công ty Trung Quốc được phép trì hoãn một số hợp đồng trong tình huống bất khả kháng, khiến các nhà thầu quốc tế đối mặt với rủi ro không nhận được bồi thường.

Tuy nhiên, Jenner tỏ ra lạc quan, cho rằng dịch nCoV có thể không gây ra tác động dài hạn, khi Trung Quốc đang thể hiện nỗ lực lớn trong kiểm soát. 

Nhìn lại tác động của dịch SARS năm 2003 và cúm gia cầm năm 2006, Andy Rothman, Chiến lược gia về đầu tư, Công ty tư vấn Matthews, Mỹ, cho rằng ảnh hưởng kinh tế trong ngắn hạn lớn, nhưng sau đó giảm nhanh.

"Nếu dịch viêm phổi do nCoV được kiểm soát trong khung thời gian như SARS, tác động tiêu cực với kinh tế sẽ không lớn trong cả năm nay", Rothman nói.

Đề xuất biện pháp hạn chế thiệt hại, Mark Humphery Jenner gợi ý các nước cần tăng cường biện pháp ngăn chặn virus lan rộng nhưng không nên lo sợ thái quá. 

"Việc giảm thương mại với Trung Quốc cần dựa trên khuyến cáo của giới chức y tế", Jenner nói. Các quốc gia cũng nên suy xét công ty, lĩnh vực bị ảnh hưởng để có biện pháp phù hợp. Sự can thiệp trực tiếp của chính phủ có thể gây rắc rối.

Giáo sư Richard Larson, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, nhận định việc ngăn chặn và loại trừ nCoV là trách nhiệm chung của quốc tế.

"Các nước đều có thể hạn chế thiệt hại bằng cách giáo dục công dân thay đổi hành vi, nhằm giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh", Larson nói.

Theo giáo sư Yang, các nước trên thế giới đều phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh có thể kiểm soát nCoV ở Hồ Bắc, các hãng hàng không có thể dần khôi phục các chuyến bay đến các khu vực khác ở Trung Quốc. Hoạt động sản xuất, du lịch cũng có thể vận hành trở lại.

Ông Yang đánh giá lệnh phong tỏa ở Vũ Hán đã cho thấy hiệu quả một phần, khi số người nhiễm mới bên ngoài thành phố này không tăng cao.

Nhiều người tích cực tham gia ở tuyến đầu để xử lý tình hình. Ông cho rằng Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn dịch ở Hồ Bắc, duy trì năng lực của các bệnh viện và đảm bảo nguồn cung các mặt hàng cho người dân.

Điều quan trọng với Trung Quốc là phải bảo đảm virus sẽ bị chặn lại, nếu không thì lệnh cách ly sẽ không hiệu quả. 

Giáo sư Yang cho rằng lúc này còn quá sớm để tính đến giai đoạn dịch viêm phổi lắng dịu. So sánh với SARS, giáo sư Yang cho biết dịch bắt đầu từ tháng 12/2002 và được khống chế vào tháng 7/2003.

"Quy mô dịch do nCoV lớn hơn SARS. Vì thế nỗ lực ngăn chặn cũng cần phải lớn hơn nhiều", ông Yang nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục