Anna Wang, 30 tuổi sống tại Bắc Kinh thường gọi các loại đồ ăn và trà sữa dù công ty cô cung cấp bữa ăn miễn phí cho nhân viên. Tuy nhiên, cô đã thay đổi thói quen này gần 2 tuần nay.
Theo khuyến nghị của chính quyền, Anna làm việc tại nhà và cô không còn đặt giao đồ ăn mỗi ngày nữa.
Thay vào đó, cô đặt rau quả tươi và ăn đồ do cha mẹ nấu. "Chúng tôi hạn chế đi chợ, tránh tiếp xúc với chỗ đông người nhiều nhất có thể" cô cho hay.
Anna chỉ là một trong 400 triệu người dùng mỗi tháng của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu thị trường Trustdata.
Dịch nCoV đang phủ bóng lên lĩnh vực ước đạt giá trị 86 tỷ USD năm ngoái.
SCMP cho biết, theo chính quyền địa phương, một nhân viên giao hàng ở Thâm Quyết đã làm việc 14 ngày trước khi nhiễm nCoV, một nhà hàng đồ ăn nhanh ở Trùng Khánh cũng được tìm thấy có virus.
Li Zhanlin, nhân viên giao đồ ăn toàn thời gian của ứng dụng Meituan Dianping cho biết, nhận được đơn đặt hàng ít hơn trong dịp Tết, từ 24/1 - 2/2.
"Trung bình mỗi ngày chỉ giao được 20 – 30 đơn, giảm một nửa so với trước Tết. Tôi nghĩ do nhiều nhà hàng đóng cửa và khách cũng không dám gọi đồ ăn trực tuyến", anh nói.
Trước tình trạng này, các hãng giao đồ ăn cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để đối phó.
Ứng dụng Meituan đang làm việc với các ngân hàng để cung cấp khoản vay cho các nhà hàng cần hỗ trợ để duy trì hoạt động.
Trong khi, Ele.me của Alibaba cũng đề nghị giảm phí cho các đối tác nhà hàng trên toàn quốc.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng, ngoài đồ ăn chín, các đơn vị cũng đang cung cấp dịch vụ giao thuốc và các sản phẩm hàng tiêu dùng.
Ngoài ra, Meituan và Ele.me đã ra mắt dịch vụ giao hàng không tiếp xúc.
Tính năng này cho phép nhân viên giao hàng đặt đồ ăn tại một khu vực đã được chỉ định trước và không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Làm việc trong mùa dịch, những tài xế như Li cũng được thưởng thêm gần 130 USD mỗi tuần.
Trái ngược với Trung Quốc, tại Hong Kong, các hãng giao đồ ăn đang chứng khiến nhu cầu tăng mạnh gần đây.
Một phần bởi dịch nCoV và người dân đã dần quen ăn uống tại nhà vì những cuộc biểu tình hồi năm ngoái.
Ra mắt tại Hong Kong năm 2015, Deliveroo cho biết lượng đơn đặt hàng dịp Tết Nguyên đán tăng 80% so với năm ngoái.
Theo lãnh đạo Deliveroo, nhiều khách hàng chọn ăn ở nhà để tránh đến nơi đông người trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Lượng đơn hàng của Deliveroo tăng 60% trong tháng 1 so với tháng trước đó. Từ đầu tháng này, hãng cũng ghi nhận sự tăng trưởng "chóng mặt".
Theo Brian Lo, giám đốc Deliveroo, riêng ngày 3/2, dịch vụ bếp chung (Editions) có lượng đơn đặt hàng tăng đến 40%.
"Nhu cầu đặt hàng cao hơn tại các khu vực không tập trung các khu thương mại khi người dân làm việc tại nhà", Arun Makhija, giám đốc hãng Foodpanda Hong Kong cho biết.
Makhija dự đoán, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng thêm khi nhiều đơn vị bố trí cho nhân viên làm việc từ xa.