Chuyên gia: Chính quyền Biden "rất cứng rắn" với Trung Quốc là điều không còn nghi ngờ

0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ duy trì lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc, theo ông Kishore Mahbubani, học giả cao cấp tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Shutterstock Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Shutterstock

Mỹ đồng thuận cao trong việc "đối phó" với Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ duy trì lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc, tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu chính quyền Biden có lắng nghe các quốc gia khác trong khu vực trước khi thực hiện các đối sách với Bắc Kinh hay không, ông Kishore Mahbubani bình luận với hãng tin CNBC.

"Tôi nghĩ rằng hoàn toàn không còn nghi ngờ về việc chính quyền Biden phải tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc", ông Mahbubani nói, đồng thời khẳng định: "Đây là điều hiển nhiên bởi vì có sự đồng thuận lưỡng đảng mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ rằng đã đến lúc Mỹ phản kháng để tự vệ trước Trung Quốc".

Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump khi hai siêu cường xảy ra chiến tranh thương mại và hiện đang cạnh tranh để giành ưu thế về công nghệ. Trong một số trường hợp, Mỹ đã tìm cách kéo các nước về phe mình để chống lại Trung Quốc. Nhưng tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh vẫn mạnh mẽ.

"Điều quan trọng là chính quyền Biden có lắng nghe các quốc gia trong khu vực trước khi họ thực hiện bất kỳ chính sách nào đối với Trung Quốc hay không?" ông Mahbubani nói. Chuyên gia này cho rằng, nếu chính quyền Biden bắt đầu lắng nghe các nước, họ sẽ phát hiện ra có một sự đồng thuận rất mạnh mẽ ở Đông Á.

"Đúng, bạn (ông Biden) phải kiên quyết và mạnh mẽ đối với Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng phải hòa hợp với Trung Quốc. Chúng ta phải hợp tác với Trung Quốc. Chúng ta muốn nền kinh tế phục hồi từ Covid-19", ông Mahbubani nói thêm.

Chuyên gia này tỏ ra lạc quan rằng đằng sau lời hùng biện rất mạnh mẽ, chính quyền Biden cũng hiểu rằng họ phải hợp tác với các nước còn lại ở Đông Á. "Thẳng thắn mà nói, cũng phải hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu”, ông Mahbubani đơn cử.

Tìm cách trở lại châu Á

Dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, một trong những nền tảng cho sự xoay trục của Mỹ sang châu Á là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng đến thời Tổng thống Donald Trump, "ông chủ" Nhà Trắng này đã rút Mỹ ra khỏi TPP ngay khi mới nhậm chức vào năm 2017.

Do vậy, 11 nước còn lại trong TPP đã tiếp tục đàm phán lại hiệp định và đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018. Năm 2020, Trung Quốc và 14 quốc gia khác đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), biến RCEP trở thành sân chơi thương mại lớn nhất thế giới, bao phủ thị trường 2,2 tỷ dân và 26.200 tỷ USD GDP toàn cầu.

Như vậy, các thỏa thuận thương mại trên liên quan đến hầu hết các nền kinh tế nổi bật ở châu Á,ngoại trừ Ấn Độ, thì đều vắng bóng Mỹ.

Hiệp định TPP vốn là "món quà cho Mỹ vì đây là cách duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á, để đảm bảo rằng khu vực này không bị Trung Quốc chi phối”, ông Mahbubani nêu. Thế nhưng, thái độ bất lợi nội bộ nước Mỹ đối với các hiệp định thương mại tự do, ngay cả những hiệp định có thể có lợi cho nước này, sẽ khiến Washington khó gia nhập CPTPP.

"Để xoay trục thực sự, Mỹ cần tìm cách quay trở lại (châu Á) một cách rất tinh tế và có thể gián tiếp vào quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương", chuyên gia Mahbubani nhận định.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục