Chuyên gia chỉ ra 5 nhóm cổ phiếu tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra. Chứng khoán là dòng tiền, tiền ít thì cổ phiếu không thể lên được. 
Chuyên gia chỉ ra 5 nhóm cổ phiếu tiềm năng

Thị trường vào giai đoạn căng cứng thanh khoản, khó bứt tốc

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới”, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho biết, các quốc gia lớn bước vào giai đoạn tăng lãi suất lớn, gây sức ép xấu hơn nữa đến triển vọng kinh tế thế giới. Kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp, nhưng dòng tiền lại xấu do ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VND, dòng vốn chảy ra nước ngoài. Thị trường chứng khoán biến động chủ yếu theo dòng tiền, nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup

Theo dự báo của các tổ chức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh năm 2022, tính trung bình các dự báo đạt khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mức 5,7% vào năm 2021. Bối cảnh chung cho thấy bức tranh không tích cực về kinh tế toàn cầu.

Về kinh tế Việt Nam, theo dữ liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III/2022 đạt mức kỷ lục 13,67%, chủ yếu do mức so sánh cùng kỳ quá thấp. 9 tháng tăng 8,83%.

Dự phóng cho cả năm 2022, các tổ chức uy tín dự báo, GDP của Việt Nam tăng cao nhất là 8,5%, thấp nhất là 7%, bình quân khoảng 7,8% - vẫn là mức tương đối cao so với trước khi COVID-19 diễn ra. Tuy nhiên, kết quả này đạt được là do nền tảng cơ sở năm 2021 thấp.

Sang năm 2023, ông Báu cho rằng, tình hình vĩ mô sẽ rất xấu khi tăng trưởng GDP chậm lại, xuống thấp hơn mức trước dịch, áp lực lạm phát lớn hơn so với 2022 - có thể lên tới 4,1%, tức là cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực hút ròng sẽ không còn mạnh, dòng tiền được kỳ vọng sẽ phục hồi dần.

Dự báo lãi suất năm 2023 sẽ đi ngang, áp lực tỷ giá sẽ không còn nặng nề khi nhiều quốc gia đạt tới đỉnh lạm phát và lãi suất của các nước này lập đỉnh ở 2023.

Theo CEO Wigroup, vì để nhấc nền lãi suất lên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt buộc phải hút tiền bằng kênh tín phiếu. Bên cạnh đó, nếu tỷ giá căng thẳng, NHNN còn phải hút tiền trên kênh ngoại tệ, như vừa rồi, NHNN hút 500.000 tỷ đồng và có thời điểm hút tiền thông qua tín phiếu đến 200.000 tỷ đồng.

Như vậy, thị trường sẽ vào giai đoạn căng cứng về thanh khoản, sẽ rất khó để thị trường bứt tốc lên được. Ông Báu cho rằng, thị trường cần quan tâm khi nào là giai đoạn chuyển giao thanh khoản, tức lúc nào NHNN có trạng thái bơm tiền trở lại hỗ trợ nền kinh tế qua những kênh như đầu tư công, kênh thị trường mở hoặc các kênh như kênh mua ngoại hối.

Tuy nhiên, điều này chưa thể kỳ vọng trong năm nay mà phải đến năm sau (2023), tức là dòng tiền từ nay đến cuối năm vẫn căng cứng và tương đối khó khăn nhưng từ quý I/2023 thì tình hình sẽ dịu hơn rất nhiều.

Với bối cảnh vĩ mô chưa thuận lợi, không rõ ràng, ông Báu đánh giá, xu hướng TTCK trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó lường. Nền kinh tế cùng một lúc chịu nhiều yếu tố bất định. TTCK sẽ vẫn có những nhịp tăng/giảm, có sự phân hoá giữa các nhóm ngành và chính các cổ phiếu trong từng nhóm ngành. Các doanh nghiệp đầu ngành sẽ được lưu ý hơn do có sức khoẻ tài chính tốt.

Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 đến nay có xu hướng điều chỉnh sau hai năm tăng nóng. VN-Index giảm khoảng 25% tính từ đầu năm đến 28/9 do ảnh hưởng từ mức giảm của các ngành vật liệu, công nghiệp, bất động sản, tài chính.

Giá trị giao dịch trên HOSE cho thấy xu hướng giảm mạnh từ mức đỉnh 2021. Thanh khoản giảm chủ yếu do dòng tiền vào của nhà đầu tư cá nhân giảm, nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng rút tiền ra. Số tài khoản mở mới trong năm 2022 lập đỉnh cũng tương tự như vào tháng 3/2018 khi VN-Index lên 1.200 điểm rồi lao dốc.

Còn theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT, đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua. Giai đoạn này có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”. Việc đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro của từng người. Nhiều khách hàng của ông Tuấn tầm tuổi về hưu sẽ ưu tiên lựa chọn tiền gửi tiết kiệm cho giai đoạn này.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT

Về bối cảnh vĩ mô thế giới, ông Tuấn không bất ngờ khi đồng USD trở nên mạnh hơn. Đơn giản là khi các chính sách của Fed chưa rõ ràng thì sẽ có sự trục lợi (đầu cơ, short tỷ giá…), nhưng thực tế là thời gian qua, Fed đã vạch ra đường lối chính sách rất rõ ràng. Fed nhìn vào các dấu hiệu lạm phát để đưa ra các điều chỉnh cho phù hợp.

"Về Việt Nam, chúng ta “khéo” trong điều hành chính sách. Lợi thế của chúng ta là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Nếu so sánh với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế qua cuộc khủng hoảng năm 2008-2011 thì cũng như vậy", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế, là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này. Bức tranh trung hạn của chúng ta vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự phóng tăng trưởng GDP 7% năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên.

Theo ông Tuấn, chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra. Chứng khoán là dòng tiền, tiền ít thì cổ phiếu không thể lên được. Xét trong ngắn hạn, thị trường biến động theo cung cầu, về dài hạn thị trường mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp. Do vậy nhà đầu tư không nên ngạc nhiên.

Khuyến nghị của chuyên gia

Ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng, dự phóng lợi nhuận nhóm công ty niêm yết đạt mức khả quan trong năm 2022, khoảng 16,7% và mức tăng trưởng lợi nhuận này sẽ có thể giảm trong 2023 xuống 13,3%.

Dự báo P/E năm nay khoảng 11,3x, P/E dự phóng cho 2023 khoảng trên 9,4 lần, so với quá khứ khá là thấp. Điểm đáng nói là chỉ số định giá của VN-Index rất nhạy cảm với đường lãi suất. Thời gian qua, lãi suất điều chỉnh tăng 1% và dự báo cuối năm nay và đầu năm sau vẫn có mức tăng khoảng 1% nữa, sẽ gây áp lực lên định giá của chỉ số nói chung.

Theo dự báo của FIDT, VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý 4 năm nay. Về các nhóm ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, có thể nhắc đến một số ngành như tiện ích điện nước, bán lẻ, y tế, hạ tầng bất động sản - khu công nghiệp…

Ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research nêu 5 nhóm cổ phiếu ngành tiềm năng

Ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research nêu 5 nhóm cổ phiếu ngành tiềm năng

Nói về các nhóm ngành cổ phiếu tiềm năng, ông Châu nêu lên 5 nhóm:

Ngành mang tính phòng thủ, đây là các ngành ít phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế như bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin.

Nhóm tiếp theo là cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, cần chú ý hơn đến những cổ phiếu mà ngành nghề liên quan chặt chẽ đến đầu tư công và ít phụ thuộc hơn đến những kênh bất động sản, đặc biệt là kênh bất động sản dự án do thanh khoản và triển vọng của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn trong thời điểm cuối năm nay và dự kiến kéo dài cho đến năm sau.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ FDI như nhóm khu công nghiệp do dự báo lợi nhuận sẽ vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong nửa cuối năm nay, nhất là cho đến nửa đầu năm 2023.

Tiếp đến là các cổ phiếu hưởng lợi khi giá đầu vào giảm như cao su, săm lốp, hoá chất…; nhóm cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng như IPO, thoái vốn công ty con hoặc kết quả kinh doanh phục hồi từ đáy.

Cuối cùng là nhóm cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng. Đây là những nhóm cổ phiếu không bị ảnh hưởng nhiều trong bối cảnh lãi suất tăng, thậm chí thu nhập từ hoạt động tiền gửi có thể tăng. Mặt khác, trong bối cảnh định giá của thị trường giảm thì nhóm này cũng có cơ hội rất lớn là họ có thể đầu tư, M&A các doanh nghiệp đối thủ với mức giá rẻ hơn rất nhiều.

Chung quy lại, trong nguy có cơ, trong bối cảnh thị trường suy giảm thì cũng sẽ vẫn có rất nhiều cơ hội đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh cần có công tác chắt lọc, thẩm định kỹ càng hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn thì các ngành đều sẽ xảy ra hiện tượng thanh lọc thị trường nên có hệ số đòn bẩy cao hay không có lợi thế cạnh tranh sẽ dần bị đào thải. Đó chính là cơ hội để những doanh nghiệp khỏe hơn, quản trị tốt hơn vươn lên để giành thị phần.

Mặc dù cơ hội đầu tư dài hạn rất tốt khi nền kinh tế tăng trưởng, nhưng theo các chuyên gia, nhà đầu tư cũng cần định giá rất kỹ, vì khi thị trường chung giảm, mặc dù công ty có lợi nhuận tăng trưởng, thì giá cổ phiếu cũng có thể giảm theo xu hướng chung của thị trường. Do vậy, tham gia với mức giá nào, thời điểm nào mua và bán sẽ là những việc mà nhà đầu tư cần cân nhắc, đánh giá, đồng thời nguyên tắc quản trị rủi ro là những vấn đề cần ưu tiên trong thời gian tới.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ