Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành lên 75 điểm cơ bản, lên khoảng 3 – 3,25%, cao nhất kể từ đầu năm 2008. Trong chương trình Bí mật đồng tiền số 39, dẫn lời Ray Dalio - người sáng lập, đồng giám đốc đầu tư tại quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates trên truyền thông quốc tế cho rằng, nếu mức tăng lãi suất tổng lên 4,5% thì chứng khoán Mỹ sẽ giảm tiếp 20%.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI, có thể Dalio đang sử dụng số liệu trong quá khứ, có những thời điểm chứng khoán Mỹ đã giảm 50% trong 1 cuộc khủng hoảng. Con số tính toán trên có thể đã bao gồm 1 phần giảm mười mấy phần phần trăm rồt, nên room giảm tương đương số trung bình trong quá khứ 20% là bình thường.
Chẳng hạn, con số Goldman Sachs mới đưa ra với kịch bản xấu khi Fed “diều hầu” hơn bình thường thì có thể giảm 27%. Các con số dự báo này dựa trên dữ liệu quá khứ cũng là bình thường, 20-27% không phải là cái gì quá đặc biệt.
Vậy câu chuyện tăng lãi suất của Fed có ảnh hưởng tới ngành ngân hàng và retail (bán lẻ) của Việt Nam?
Ông Hưng cho rằng, ảnh hưởng retail Việt Nam trong dài hạn, bởi bản chất ngành này sẽ ảnh hưởng bởi yếu tố trong nước trước, còn yếu tố bên ngoài sẽ đến từ từ.
Còn ngân hàng, NHNN có chuẩn bị trước cho chuyện Fed tăng lãi suất. Ngay sau khi Fed tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp, NHNN đã tăng các lãi suất điều hành thêm 1%. Nên quyết định tiếp theo của Fed sắp tới không ảnh hưởng ngay đến hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ngoài ra, ngành ngân hàng và bất động sản còn chịu ảnh hưởng từ Nghị định 65/2022 vừa ban hành (sửa đổi Nghị định 153). Nghị định này chỉ có từ Điều 1 đến Điều 5 là chặt chẽ, nhưng từ Điều 6-7-8 và cả Nghị định thì đỡ chặt chẽ hơn.
“Nếu doanh nghiệp là nhà phát hành nghiêm túc với thị trường, làm ăn chân chính, thì việc tuân thủ Nghị định 153 hay Nghị định 65 đều khá dễ dàng”, ông Hưng nói.
Vấn đề bây giờ không ở nguồn cung, mà phía cầu, sau tất cả, nhu cầu người dân hiện đang tương đối khó khăn, xu hướng lãi suất lại đang tăng - thì doanh nghiệp phát hành có thể phải phát hành lãi suất cao trên 10% chẳng hạn, thì khá rủi ro (đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại là khó tránh khỏi), dù trong ngắn hạn giải quyết được vấn đề đảo nợ, ông Hưng nhận định.
Chia sẻ thêm về tác động của Fed, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chuyên gia Phân tích của Công ty Đầu tư Hữu Nghị, Thành viên Kinh Doanh của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho rằng, thị trường hàng hoá rất nhạy với thông tin lãi suất vì ảnh hưởng đến chi phí vốn, chi phí tồn kho, và cả chi phí của các đội hedging trên thế giới. Họ rất nhạy với lãi suất. Có một số nhóm ngành Việt Nam như chăn nuôi, năng lượng, nhựa…phải nhập khẩu và lượng đầu vào lớn, nên khi biến động lãi suất thì có thể ảnh hưởng thực tế tới hoạt động doanh nghiệp.
Fed và thị trường hàng hoá: dầu có thể có thêm nhịp điều chỉnh trước khi cân bằng
Ông Tuấn cho rằng, Fed tăng lãi suất là tin vui đối với thị trường hàng hóa, bởi bản chất đặc thù của thị trường hàng hóa là giao dịch hai chiều, bao gồm hoạt động mua và bán khống.
Do đó, việc các mặt hàng tăng hoặc giảm đều phát sinh ra cơ hội cho nhà đầu tư. Thực tế đối với hàng hóa cũng không có gì gọi là quá tốt hay quá xấu, quan trọng chủ yếu vẫn là phương pháp và chiến lược của nhà đầu tư.
Nhìn lại lịch sử, mặt hàng liên quan nhiều đến thông tin về chính sách tiền tệ như dầu, các loại kim loại quý sẽ là hai mặt hàng bị tác động nhiều bởi các yếu tố liên quan đến tiền tệ và chính trị. Với phiên họp Fed này, khả năng cao dầu sẽ tiếp tục có một nhịp điều chỉnh trước khi tạo vùng giá cân bằng. Và có một số mặt hàng có thể nói là “miễn nhiễm” - mà đang bị ảnh hưởng bởi cung cầu do chiến tranh Nga - Ukraine - như khí đốt.
Và Nông sản, như lúa mì tuy đã tạo đỉnh và giảm rất nhiều trong giai đoạn chiến tranh Nga – Ukraine nhưng đến cũng đã có phiên hồi lại khá mạnh mẽ. Vậy những mặt hàng nông sản liên quan chặt chẽ tới những cuộc chiến tranh đang xảy ra sẽ miễn nhiễm đối với thông tin chính sách tiền tệ nhưng bị ảnh hưởng chủ yếu bởi câu chuyện cung – cầu và thông tin chính trị trên thế giới nhiều hơn.
Theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là những hàng hóa bị “tài chính hóa”. Khi mặt bằng lãi suất tăng, chi phí để đầu tư, chi phí hedging sẽ tăng lên và sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
Hiểu biết về các loại hàng hóa cũng tốt cho hoạt động đầu tư, tuy nhiên trong một số mặt hàng của Việt Nam, như về dầu chẳng hạn, mọi người hay có xu hướng kết nối trực tiếp việc biến động của giá dầu qua đêm với mức biến động giá của một số cổ phiếu trong ngành dầu khí - thì phải tính toán thêm, bởi xu hướng dài hạn của giá dầu mới ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Chứ biến động giá dầu trong một đêm có thể lên đến 10%, hôm sau cổ phiếu liên quan đến dầu cũng phải tăng 10% thì đó là câu chuyện không đúng, ông Hưng chia sẻ.
Thị trường hàng hóa là đầu vào của rất nhiều doanh nghiệp và thậm chí trong nhiều trường hợp còn là đầu ra. Do đó khi nhà đầu tư hiểu biết nhiều về thị trường hàng hóa, về xu hướng thì việc phân tích báo cáo tài chính cũng như phân tích về triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn so với những người bình thường. Đó là điểm tốt hơn, còn nói những thông tin đó để phục vụ giao dịch hằng ngày là rất khó.