Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), để trả lời được câu hỏi này, trước hết phải phân định rõ trách nhiệm được chuyển giao.
“Chủ trương cần thực hiện chuyển quyền đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp từ bộ quản lý ngành về Ủy ban là chuyển đại diện chủ sở hữu, còn đối với các dự án thì không chỉ có quyền đại diện chủ sở hữu, mà còn bao gồm nhiều vấn đề khác, trong đó có cả quản lý nhà nước đối với dự án”, ông Trung nêu vấn đề.
Trong thông báo mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/4/2019 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, trong đó bổ sung Chủ tịch Ủy ban vào Ban Chỉ đạo, giữ vị trí Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thay Bộ trưởng Bộ Công thương làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo, bổ sung lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo công tác truyền thông; Ủy ban làm cơ quan đầu mối, thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình các dự án, doanh nghiệp và chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, theo ông Trung, đối với việc xem xét trách nhiệm phê duyệt thẩm định dự án có 2 chức năng, thì ở chức năng thứ nhất là chủ sở hữu, việc phê duyệt thẩm định dự án chỉ nằm trong phạm vi chức năng nhiệm vụ phê duyệt của cơ quan chủ sở hữu đối với HĐQT, HĐTV của doanh nghiệp. Với chức năng thứ 2 rất quan trọng là quyết định chủ trương dự án, quyết định đầu tư dự án theo nguồn vốn, ví dụ đầu tư công, thì nằm ở quản lý nhà nước, do bộ quản lý chuyên ngành, chứ không do Ủy ban.
“Dự án tuy thuộc doanh nghiệp, nhưng quản lý dự án vẫn phải có sự phân công trách nhiệm của các bộ và cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, không thể chuyển hết trách nhiệm, đặc biệt là sai phạm của cơ quan quản lý nhà nước trước đây về Ủy ban được”, ông Trung phân tích.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, một trong những chức năng quan trọng của Ủy ban là xem xét thẩm định phê duyệt các dự án và khi nhận chuyển giao trách nhiệm, chức này năng đòi hỏi việc phê duyệt thẩm định dự án phải có bộ máy tham mưu. Tuy nhiên, hiện nay, Ủy ban đang trong giai đoạn mới thành lập nên chưa có đủ bộ máy chuyên trách. Bởi vậy, đặt ra câu chuyện về tính khả thi trong khâu thẩm định, giám sát, đánh giá dự án và việc để Ủy ban đảm nhiệm hết các công đoạn là rất khó khăn trong thời điểm hiện nay.
“Với công việc ở tầm quá lớn như vậy, cần phải có cơ chế phối hợp giữa Ủy ban và các cơ quan quản lý ngành trong thẩm định, giám sát các dự án, chứ không thể nói chuyển là chuyển 'đứt' ngay. Rất cần có sự phân công trách nhiệm, đặc biệt là công tác giám sát, đánh giá trên khía cạnh kỹ thuật chuyên ngành. Như vậy, cần xác định rõ ở đây là chuyển giao trách nhiệm làm đầu mối để phối hợp với các cơ quan có liên quan trong xử lý các vướng mắc và tồn tại, chứ không thể giải quyết thay công việc của các cơ quan khác như ngân hàng hay đơn vị quản lý chuyên ngành”, ông Trung khuyến nghị.
Bên cạnh đó, việc chưa phân định rõ các nguồn vốn dự kiến cũng sẽ là khó khăn cho Ủy ban khi nhận chuyển giao các dự án. Ngoài vốn chủ sở hữu, nhiều dự án còn tiếp nhận các nguồn vốn khác, bao gồm cả vốn đầu tư ngân sách trong các chương trình đầu tư công của Bộ Công thương, hoặc thậm chí có thể có cả vốn ODA với giá trị rất lớn.
Theo các chuyên gia, để tăng tính hiệu quả, Ủy ban không nên quản lý hết toàn bộ các nguồn vốn, mà chỉ nên nhận quyền đại diện chủ sở hữu đối với nguồn vốn do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, với những nguồn vốn khác phải có sự phân định rõ ràng, từ đó mới đảm bảo được việc thẩm định giám sát, đánh giá xử lý các vấn đề liên quan đến các nguồn vốn đầu tư.
Việc chuyển giao chưa chắc đã tốt hơn so với hiện nay
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HÐQT Công ty Luật Basico
Việc chuyển giao trách nhiệm đầu mối xử lý 12 dự án từ Bộ Công thương về Ủy ban nhìn chung chưa thấy cơ sở để đánh giá có hiệu quả hơn, vì phụ thuộc nhiều vào tổng thể các yếu tố như cơ chế, luật lệ, trình độ, trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, con người..., chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện "vừa đá bóng, vừa thổi còi", bây giờ ngắt ra chuyển giao thì có thể làm tốt hơn được. Bộ chuyên ngành ít nhất vẫn có lợi thế hơn về chuyên môn nghiệp vụ và bộ máy.
Thậm chí , tôi cho rằng, việc chuyển giao chưa chắc đã tốt hơn so với hiện nay, bởi với vai trò là bộ quản lý chuyên ngành thì Bộ Công thương còn chịu trách nhiệm, còn Ủy ban đối với trách nhiệm xử lý 12 dự án trước mắt chỉ có thể là cơ quan đầu mối chắp nối, tiếp nhận và thực hiện các công việc mang tính thủ tục hành chính, chứ không phải là người quyết định đầu tư hiệu quả và quan trọng là không chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề trước đó của 12 dự án. Đó là chưa nói tới khả năng, trình độ của nhân sự Ủy ban hiện vẫn là câu hỏi ngỏ, đặc biệt trong giai đoạn mới thành lập như hiện nay.