12 dự án thua lỗ ngành Công Thương âm vốn, nợ trên 58.500 tỷ

Do phần lớn đi vay nên sau một năm, nợ phải trả (gốc và lãi) của các dự án tăng hơn 3.440 tỷ đồng.
Sản xuất phân ure tại Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Anh Tú Sản xuất phân ure tại Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Anh Tú

Bộ Công Thương vừa có báo cáo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong đó đề cập tới tình hình tài chính, kết quả xử lý và khắc phục tại 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ.

Cập nhật tới 31/12/2017, tổng vốn chủ sở hữu của 12 dự án âm 33,41 tỷ đồng, giảm hơn 4.018 tỷ so với cùng kỳ 2016; tổng nợ phải trả hơn 58.504 tỷ (tăng 3.440 tỷ so với 2016.

Ngoài 317,5 tỷ đồng lỗ lũy kế giảm tại 2 dự án Nhà máy gang thép Việt Trung (VTM) và Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng, 10 dự án còn lại đang "gánh" lỗ lũy kế tới 18.678 tỷ, tăng 2.552 tỷ so với 2016.

Sau một năm, 12 dự án ngành Công Thương được "điểm danh", xử lý, trừ hai dự án VTM và DAP 1- Hải Phòng có lãi, giảm lỗ lũy kế, số còn lại vẫn tiếp tục khó khăn trong cân đối vốn để trả nợ và phát sinh nợ quá hạn (gốc và lãi) tại các ngân hàng. 

Đến hết tháng 1/2018, tổng dư nợ tín dụng 12 dự án là 20.847 tỷ đồng, giảm 193 tỷ so với cùng kỳ 2017. Mức dư nợ tín dụng này được nhà điều hành đánh giá "còn rất cao". 

Đứng đầu trong danh sách này là Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex) với 4.541 tỷ đồng, tăng 41 tỷ đồng so với tháng 2/2017; Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc là 3.785 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng...

Trong khi đó, mức dư nợ tại một số dự án giảm, như Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai giảm 466 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình giảm 139 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai  là 117 tỷ...

Bộ Công Thương cũng cảnh báo, nợ của một số dự án có chiều hướng tăng và đang bị xếp vào nhóm nợ có khả năng mất vốn dù hầu hết đều được tái cơ cấu thời gian trả nợ, điều chỉnh số tiền trả nợ mỗi kỳ, lãi suất...

Cụ thể, nợ của Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai tại các nhà băng đều bị xếp nhóm 4 - nợ nghi ngờ. 

Với 6 dự án có vay vốn của Ngân hàng Phát triển (VDB), nợ tại 4 dự án (dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất) bị xếp vào nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn. 

Khoản vay của dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình được xếp vào nhóm 1- nợ đủ tiêu chuẩn và dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng được xếp vào nhóm 2 là nợ cần chú ý.

12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương được "điểm danh" từ cuối năm 2016,  trong số này có 5 dự án thuộc quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)... 

Theo lộ trình được Bộ Công Thương đưa ra, trình Quốc hội, còn hai năm nữa để hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém tại số dự án thua lỗ này.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục