Chuyển đổi số và cơ hội cho các bệnh viện "ba không"

0:00 / 0:00
0:00
Với các bệnh viện thực hiện tốt việc chuyển đổi số, cảnh tượng xếp hàng, chen chúc, xô lấn nhau tại các khu khám bệnh đã trở thành quá khứ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra việc quản lý hồ sơ sức khỏe tại Trạm y tế xã Hương Long (Hà Tĩnh). Ảnh: Từ Thành Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra việc quản lý hồ sơ sức khỏe tại Trạm y tế xã Hương Long (Hà Tĩnh). Ảnh: Từ Thành

Nhiều lợi ích

Một năm trước tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ở cửa các phòng khám dù là theo yêu cầu vẫn thường xuyên xuất hiện hình ảnh các ông bố, bà mẹ với gương mặt lo lắng ôm con thơ đang ốm, ánh mắt ngóng trông từng giây, từng phút vào số thứ tự điện tử hiển thị ở khu vực chờ khám. Một năm sau, đó đã là câu chuyện của quá khứ.

Hiện tại, với ứng dụng sổ y bạ điện tử, người nhà bệnh nhi có thể đặt hẹn khám chữa bệnh trực tuyến tại các khoa khám và điều trị 24h, Trung tâm Quốc tế, Phòng Tư vấn và Tiêm chủng vắc-xin. Theo đó, khi gia đình đặt lịch khám thành công, sau 5 phút, ứng dụng sẽ thông báo đến lượt khám, tránh tình trạng quá tải trong bệnh viện. Sổ Y bạ điện tử còn giúp các bậc phụ huynh nắm được thông tin, tình hình sức khoẻ của các bé gồm đơn thuốc, kết quả xét nghiệm, đánh giá của bác sỹ…

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Bộ đang lên kế hoạch triển khai bệnh viện “ba không” gồm không xếp hàng, không hồ sơ giấy, không thanh toán bằng tiền mặt.

Ngoài việc ứng dụng sổ y bạ điện tử, theo ông Nguyễn Thế Vinh, Phó trưởng phòng công nghệ thông tin (Bệnh viện Nhi Trung ương), hiện Bệnh viện đang triển khai ứng dụng chăm sóc di động giúp các bác sỹ truy cập vào hồ sơ bệnh án một cách toàn vẹn của người bệnh (bệnh sử, kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, hội chẩn), nắm được các thông tin đầy đủ phục vụ công tác theo dõi bệnh lý, diễn biến và hội chẩn.

Sau khi triển khai chuyển đổi số trong bệnh viện với 2 ứng dụng di động y bạ điện tử và chăm sóc di động, theo PGS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, việc đặt lịch hẹn khám bệnh của người dân đã trở nên nhanh chóng và thuận tiện. Không chỉ vậy, sau khi khám, điều trị và xuất viện, người dân hoàn toàn có thể nhận kết quả khám chữa bệnh của mình tại bất cứ đâu qua smartphone.

Theo đó, lịch uống thuốc và tái khám sẽ được nhắc nhở giúp người dùng chủ động trong việc chăm sóc, điều trị bệnh. Cùng với đó, người bệnh được tiếp nhận các thông báo bằng tin nhắn miễn phí, được tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực nhi khoa do Bệnh viện phát hành.

Ngoài ra, theo PGS. Trần Minh Điển, các tài liệu, hồ sơ bệnh án của người bệnh đã được số hóa toàn phần. Đây là bước chuẩn bị quan trọng phục vụ cho triển khai áp dụng bệnh án điện tử theo thông tư của Bộ Y tế với quy mô toàn Bệnh viện.

Xóa bỏ mọi giới hạn

Ở đầu cầu phía Nam của đất nước, người bệnh cũng đang được hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện. Ông Trần Văn Đức, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tự tin cho biết, trước kia nhiều người bệnh khi đã ốm, mệt mỏi, mà còn phải đến bệnh viện từ 5 giờ sáng, xếp hàng dài chờ tới lượt khám, thì bây giờ, bệnh nhân có thể ở bất cứ đâu vẫn đăng ký được lịch khám và đến hẹn người bệnh mới tới khám.

Bên cạnh đó, Bệnh viện còn có bệnh án điện tử, quản lý tin nhắn thông báo cho người bệnh như đã có kết quả xét nghiệm, tin nhắn báo nhắc nhở lịch khám đúng hẹn. Chẳng hạn, khi một em bé vừa sinh ra, bệnh viện đã nhắn tin cho gia đình biết em bé sinh ra giờ nào, cân nặng, giới tính, sức khỏe của bé. Hay một bệnh nhân được phẫu thuật thì bệnh viện cũng thông báo giờ phẫu thuật xong, tình trạng bệnh nhân cho người nhà của họ qua tin nhắn.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Đại học Y Dược cũng đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Người bệnh có thể quẹt thẻ thanh toán cho toàn bộ quy trình khám chữa bệnh, nhận hóa đơn điện tử, không còn phải xếp hàng chờ đợi nhau trong khâu thanh toán gây nhiều bức xúc và chậm trễ cho quá trình khám chữa bệnh.

Chuyển đổi số trong y tế không chỉ thể hiện ở việc bệnh nhân khám bệnh trực tiếp được lợi, mà người bệnh ở các tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn cũng được lợi nhờ công nghệ khám chữa bệnh từ xa.

Bác sỹ Vũ Giang An, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) cho hay, một bệnh nhi 12 tuổi, dân tộc Dao đã từng được bệnh viện tuyến Trung ương phẫu thuật do thiếu một đoạn xương. Tuy nhiên, cháu bé cứ liên tục tái viêm xương và phải xuống Hà Nội mổ 2-3 lần. Nhờ hội chẩn từ xa, các thầy thuốc tuyến Trung ương đã tư vấn cho Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu mổ tại chỗ, thực hiện các công đoạn đầu cho bệnh nhân, sau đó 1-2 tháng sau chuyển bệnh nhân xuống Hà Nội để tuyến trên thực hiện kỹ thuật sau cùng.

"Như vậy, bệnh nhân chỉ cần một lần đi Hà Nội để phẫu thuật, tiết kiệm cho người bệnh", bác sỹ Vũ Giang An nói.

Cũng theo bác sỹ An, vừa qua nhờ các buổi hội chẩn từ xa với chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã nuôi sống thành công trẻ 28 tuần tuổi, nặng 1 kg.

“Đây là trường hợp được hưởng lợi từ khám chữa bệnh từ xa”, bác sỹ An cho biết.

Bản thân các cơ sở y tế khi kết nối qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa cũng thu được nhiều lợi ích. Ông Trần Liên Việt, Phó tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chia sẻ, trước kia, bệnh viện địa phương không có kỹ thuật viên đọc được kết quả giải phẫu bệnh, nên chúng tôi thường phải chuyển file về Hà Nội mất rất nhiều thời gian. Hiện tại tất cả hình ảnh được scan lên hệ thống dữ liệu, có thể phóng đại tới 40 lần nên các bác sỹ của bệnh viện lớn ở Hà Nội sẽ dễ dàng đọc được kết quả giải phẫu bệnh, tiết kiệm rất nhiều thời gian chờ đợi, nhanh chóng có phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Dương Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục