Đẩy mạnh Make in Việt Nam và chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp ICT mùa Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông có buổi gặp mặt các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin để đánh giá tình hình, đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để đưa ra những nhận định đúng và trúng, từ đó đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các chính sách sát nhất với mong cầu của doanh nghiệp nhằm phát huy tính tự cường, tự lực cộng đồng doanh nghiệp ICT.

Tại buổi gặp mặt, ông Lê Xuân Hoà, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đánh giá, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cơ bản có bị ảnh hưởng nhưng không quá nặng nề. Khảo sát cho thấy các doanh nghiệp hội viên của Hội có tăng trưởng tốt hơn. Covid-19 là cú hích cho nền kinh tế số, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, trước những khó khăn chung, ông Hòa kiến nghị cần hỗ trợ lãnh đạo các doanh nghiệp ICT được thuận tiện trong quá trình ra nước ngoài như tiêm vắc xin, cấp giấy chứng nhận sức khỏe,…

Đồng thời, khó khăn trong di chuyển dẫn tới doanh nghiệp chưa được cập nhật kịp thời luồng thông tin về biến động quốc tế. Do vậy mong muốn cơ quan nhà nước phát triển mạng lưới thông tin chính thống tại các đại sứ quán để doanh nghiệp nắm bắt được thị trường trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Đặc biệt, Phó chủ tịch VINASA nhấn mạnh về câu chuyện thúc đẩy chuyển đổi số, mong muốn Chính phủ có nhiều quyết sách mạnh mẽ, thu hút được những doanh nghiệp công nghệ AI, công nghệ số vào Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Về phía doanh nghiệp, các đại diện cũng bày tỏ nguyện vọng được cơ quan thẩm quyền tạo điều kiện trong quá trình đưa chuyên gia, đối tác nước ngoài vào Việt Nam (những người đã tiêm vắc xin và có giấy chứng nhận kết quả) được rút ngắn thời gian cách ly và tham gia vào hoạt động giao lưu, làm việc. Nếu thực hiện đủ thời gian cách ly từ 14 - 21 ngày, câu chuyện về sự nắm bắt cơ hội và theo kịp thị trường sẽ trở nên chông gai hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên tham khảo các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong quảng bá hình ảnh Việt Nam thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, để hoàn thành tốt mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có quy mô và trình độ khác nhau nên sẽ có sự khác nhau cho chuyển đổi số. Sẽ có doanh nghiệp dễ dàng trong quá trình tiếp cận nhưng cũng sẽ là khó khăn cho nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số trong thời gian tới.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho rằng, dịch Covid-19 chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp ICT, khi hiện nay các đối tác nước ngoài đang rất quan tâm đến Việt Nam.

Để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực này, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông ngoài đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số quốc gia, Make in Việt Nam còn xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025…, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp.

Sau khi tiếp nhận những mong cầu của doanh nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh, cơ bản các doanh nghiệp công nghệ thông tin có tăng trưởng trong mùa dịch bởi hạ tầng viễn thông sẵn có. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức là đan xen.

“Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thúc đẩy các kế hoạch xúc tiến đầu tư, thành lập các trung tâm IT, nâng cao hình ảnh của Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh chương trình Make in Việt Nam. Hỗ trợ các chuyên gia của Việt Nam ra nước ngoài qua cơ chế vắc xin, visa. Thúc đẩy, tuyên truyền người Việt dùng hàng Việt cho lĩnh vực công nghệ thông tin”, Thứ trưởng khẳng định.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục