Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT IS cho biết, sau làn sóng thứ nhất về số hóa và làn sóng thứ 2 về quy trình hóa, thông minh hóa, ngành bảo hiểm đang đứng trước làn sóng thứ 3 - kỷ nguyên về Data (dữ liệu) và AI (trí tuệ nhân tạo).
“Nếu trước kia trong ngành bảo hiểm, công nghệ là để phục vụ kinh doanh, các tổng giám đốc công ty bảo hiểm coi đó là nhiệm vụ của bộ phận IT, thì bây giờ công nghệ chính là kinh doanh. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải thực sự làm chủ và tham gia vào làn sóng công nghệ để dẫn dắt sự phát triển”, ông Hòa nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi số mở ra cơ hội kinh doanh mới, giúp ngành bảo hiểm nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tận dụng dữ liệu lớn để đưa ra các dịch vụ giá trị gia tăng.
Theo dự báo, doanh thu phí bảo hiểm bình quân trên GDP đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 3,5%. Nhằm tận dụng tối đa tiềm năng này, chuyển đổi số là yếu tố then chốt, góp phần giúp ngành bảo hiểm nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng của khách hàng, mang lại trải nghiệm tốt và nhiều tiện ích hơn trong kỷ nguyên số.
Số liệu thống kê của FPT IS cũng cho thấy, người Nhật chi trả trung bình 400 USD/tháng cho bảo hiểm là nhờ các dịch vụ chăm sóc, trải nghiệm tốt từ công ty bảo hiểm.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang tập trung đầu tư chuyển đổi số nhằm gia tăng minh bạch thông tin, kết nối với khách hàng tốt hơn và rút ngắn quy trình bồi thường...
Trong hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp đều trải qua các nghiệp vụ bảo hiểm quan trọng như thẩm định, giám định, phê duyệt hợp đồng, phê duyệt bồi thường, phòng ngừa và phát hiện gian lận… Riêng dịch vụ hỗ trợ bồi thường thông qua bên thứ 3, khối lượng hồ sơ bồi thường hàng ngày chủ yếu thực hiện bằng tay với nhiều sai sót, lạm dụng bảo hiểm với hình thức tinh vi, phức tạp.
Tuy nhiên, nhờ công nghệ, các nghiệp vụ trên đều có thể ứng dụng robot, AI... Điều này làm thay đổi cách thức vận hành kinh doanh của công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, với dịch vụ hỗ trợ bồi thường thông qua bên thứ 3, việc ứng dụng công nghệ có thể giúp tiết kiệm 50% nguồn lực, 30% thời gian và giảm thiểu tối đa gian lận.
Về thách thức, một số chuyên gia cho hay, rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số của ngành bảo hiểm là công nghệ, tài chính và cơ chế. Các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào chuyển đổi số sẽ phải đầu tư lớn và cần có cơ chế mở hơn để việc chuyển đổi có bước tiến lớn hơn. Chẳng hạn, theo Thông tư 67/2023/TT-BTC, với một số sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ…, hoạt động tư vấn phải được thực hiện trực tiếp hoặc bằng hình thức cuộc gọi kết nối có ghi âm giữa bên bán (doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm) và bên mua bảo hiểm. Trong khi đó, bản chất mua online là khách hàng tự vào mua nên việc lấy bằng chứng tư vấn gần như bất khả thi.
“Hay như trường hợp một công ty bảo hiểm có sản phẩm nhúng hoặc kết nối API với bên công ty đại lý bán bảo hiểm. Thông thường, công ty đại lý sẽ chèn vào một liên kết giới thiệu và khách hàng cũng vào đó mua, lúc này khó có thể đưa vào quy trình tư vấn”, ông Đỗ Thế Vinh - CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM nêu dẫn chứng và cho rằng, trong tương lai sẽ có nhiều sản phẩm bảo hiểm đơn giản, người có nhu cầu có thể tự mua mà không cần tư vấn, nên yêu cầu đưa ra bằng chứng tư vấn sẽ gây khó cho bên bán.
Ông Ken Lau - chuyên gia Phân tích trưởng tại Việt Nam của Ambest nhấn mạnh, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm cần nỗ lực hơn trong xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp và đảm bảo tạo ra giá trị mới đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, đồng thời cần có chiến lược rõ ràng để đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn và bảo mật dữ liệu.