Chuyển đổi số sẽ tối ưu hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 2/8/2024, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao và Triển lãm Bảo hiểm Việt Nam - Vietnam Insurance Summit 2024. 
Chuyển đổi số sẽ tối ưu hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch IAV, những biến động thị trường thời gian qua đã tác động nhất định đến nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo hiểm của người dân, bên cạnh đó là những lo ngại về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, việc củng cố niềm tin của khách hàng đối với ngành bảo hiểm là vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Để làm được nhiệm vụ này, các công ty cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, và tận dụng ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại như trợ lý ảo (chatbot), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn… các công ty bảo hiểm có thể nâng cao tính minh bạch, củng cố niềm tin và cải thiện trải nghiệm cho khách hàng.

Ngoài ra, chuyển đổi số còn cho phép các công ty triển khai dịch vụ bảo hiểm trực tuyến toàn diện, phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu khác biệt, cải tiến quy trình nghiệp vụ, tự động hóa các công đoạn lặp đi lặp lại để tối ưu nguồn lực. Đặc biệt, chuyển đổi số còn mở ra cơ hội kinh doanh mới, giúp ngành bảo hiểm nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tận dụng dữ liệu lớn để đưa ra các dịch vụ giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Chubb Life Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số bảo hiểm mang đến nhiều lợi ích, giúp khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tiện lợi, minh bạch, cá nhân hóa nhưng vẫn bảo đảm bảo mật. Doanh nghiệp bảo hiểm gia tăng được trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro hiệu quả hơn và phát triển được cơ hội kinh doanh mới.

Xu hướng công nghệ đang được áp dụng trong chuyển đổi số của ngành bảo hiểm mang đến các trải nghiệm đa kênh, tăng cường khả năng tự phục vụ, tăng độ chính xác của các phân tích dự đoán hành vi của khách hàng.

Chia sẻ kinh nghiệm cung cấp giải pháp công nghệ chuyển đối số cho ngành bảo hiểm, ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch, Công ty TNHH FPT IS cho biết, doanh nghiệp đang tập trung tạo đột phá trải nghiệm dịch vụ ngành bảo hiểm với AI và Cloud. Bên cạnh đó, tùy vào từng bước chuyển đổi số của doanh nghiệp bảo hiểm, đơn vị cũng có những tư vấn và giải pháp phù hợp với chiến lược chuyển đổi số của đối tác.

FPT IS cũng song hành cùng các đối tác công nghệ hàng đầu khác để với mỗi "bài toán" khách hàng đặt ra, chúng tôi cũng có giải pháp phù hợp nhất. Cùng với đó, để nâng tầm hiệu quả chuyển đổi số của ngành bảo hiểm, các nhà cung cấp công nghệ cũng nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp với từng chiến lược số hóa. Đơn cử, với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm, tăng trải nghiệm cho khách hàng, đại diện Perfios cho biết, doanh nghiệp đã ra mắt PIVC với công nghệ xác thực sinh trắc và video, khách hàng chỉ mất 3 phút để hoàn thành quy trình và công ty bảo hiểm cũng đảm bảo tính tuân thủ 100% với luật kinh doanh bảo hiểm; hỗ trợ công ty bảo hiểm tiết kiệm ít nhất 5% tổng chi phí bồi thường bảo hiểm hàng năm bằng giải pháp Acclaim.

Ứng dụng AI và ML vào việc số hóa và phân tích dữ liệu, giúp nâng hiệu suất xử lý bồi thường và phát hiện hành vi trục lợi bảo hiểm. Nhờ vào các giải pháp số nêu trên, dù phải đối mặt với thách thức lạm phát tăng cao và thu nhập khách hàng có xu hướng giảm, ngành bảo hiểm trong nước vẫn đón nhận những triển vọng tăng trưởng khả quan.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 82 doanh nghiệp bảo hiểm.Tính đến tháng 6/2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt trên 951.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023; số tiền đầu tư ước đạt xấp xỉ 800.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023; tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp toàn thị trường ước đạt trên 200.000 tỷ đồng, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109.000 tỷ đồng…

Chuyển đổi số còn làm gia tăng tốc độ phục vụ khi khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ bảo hiểm 24/7 thông qua các ứng dụng di động và trợ lý ảo. Các công ty bảo hiểm thu thập dữ liệu từ khách hàng thông qua các thiết bị IoT và thiết bị đeo tay, giúp đưa ra quyết định chính xác hơn về bảo lãnh phát hành, chính sách, dịch vụ sản phẩm mới.

Đặc biệt, theo ông Ken Lau, Chuyên gia phân tích trưởng tại Việt Nam, Ambest khẳng định, quá trình chuyển đổi số đã tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của các công ty bảo hiểm từ đó thu hẹp khoảng cách về lòng tin của người dân với bảo hiểm. Bởi tâm lý chung của con người là ngần ngại tiếp nhận những điều mới và luôn có những nghi ngờ khi đứng trước giải pháp liên quan đến chi trả tài chính. Sự gia tăng kỳ vọng và nhu cầu khắt khe của khách hàng đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cải tiến. Đầu tư cho công nghệ số và nguồn nhân lực chuyên trách còn chưa được đặt đúng mức độ ưu tiên. Vấn đề an toàn thông tin cũng là một thách thức lớn.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục