Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày

(ĐTCK) Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại sự kiện

5 quan điểm, 5 đẩy mạnh

Phát biểu tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 8/5, ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhận định: “Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật”.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 quan điểm chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Thứ nhất, quán triệt, bám sát và hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng thực chất, hiệu quả, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, nắm bắt cơ hội, thách thức từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vận dụng phù hợp, hiệu quả với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam để định hướng các hoạt động của chuyển đổi số ngành ngân hàng. Chuyển đổi số ngành ngân hàng phải gắn với kinh tế số, xã hội số, công dân số và kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…

Thứ ba, chuyển đổi số ngành ngân hàng phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt để phát triển ngành ngân hàng Việt Nam có bước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên so với khu vực, thế giới.

Thứ tư, chuyển đổi số ngành ngân hàng một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thứ năm, chuyển đổi số ngân hàng phải đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương.

Ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng các lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, các TCTD tham quan các gian hàng tại sự kiện

Đồng thời, Thủ tướng chỉ rõ “5 đẩy mạnh” gồm:

Một là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Hai là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành ngân hàng, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành ngân hàng;

Năm là, đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý.

95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng.

“Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...”, bà Hồng nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện

Cũng theo Thống đốc, những kết quả này đã được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về chuyển đổi số. Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính & bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp. Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực Asean.

“Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng”, bà Hồng cho biết.

Câu chuyện cụ thể tại từng ngân hàng, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới, trong đó có những kết quả trong hoạt động ngân hàng mở mà BIDV đã và đang mang đến cho khách hàng trên nền tảng Open API.

Theo đó, ngày 29/11/2023, BIDV đã hợp tác với IBM ra mắt hệ thống BIDV Open API với 04 cấu phần chính BIDV Open API Portal - Website trên internet cho các Nhà lập trình; cấu phần quản trị API; cấu phần Cổng kết nối API; cấu phần phân tích API.

Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ tại sự kiện

“Sau 5 tháng triển khai, đã có 90.000 lượt gọi API trên hệ thống, chúng tôi ước tính đến năm 2025 sẽ có khoảng hơn 500.000 khách hàng doanh nghiệp, 1 triệu khách hàng tiểu thương và hàng triệu khách hàng cá nhân sẽ được cung cấp các tiện ích từ hệ thống BIDV Open API”, ông Trần Long tiết lộ.

Còn tại TPBank, ông Đinh Văn Chiến, Phó tổng giám đốc cho biết, với số lượng giao dịch khoảng 1,5 triệu tỷ đồng thì chỉ cần một dấu hiệu “nằm ngang” sẽ gây thiệt hại đến hàng ngàn khách hàng, hàng ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, TPBank luôn ưu tiên nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa rủi ro cho khách hàng cũng như bảo vệ ngân hàng; thu thập hàng ngàn tỷ dữ liệu từ các nguồn dữ liệu cấu trúc, phi cấu trúc để phân tích đủ, phân tích đúng kết hợp cùng các mô hình phân tích của AI.

“Theo đó, TPBank đã đưa ra hàng loạt giải pháp ưu Việt có hiệu suất cao, áp dụng liên tục trong hệ thống và từ đó hàng chục AKBot nhận thông tin 24/7, đưa cảnh bảo và ngăn chặn các giao dịch bất thường trên tài khoản. Không dừng lại ở đó, ngân hàng luôn cập nhật định kỳ các giải pháp để tăng tính chính xác, ngăn chặn liên tục các hành vi gian lận hoặc có dấu hiệu bất thường”, ông Chiến nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục