Công ty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ là doanh nghiệp có hơn 3.000 lô thanh long xuất đi các thị trường, trong đó đã tiến hành kiểm định 2.700 lô thanh long/năm vào thị trường EU.
Đây cũng là đơn vị duy nhất tiến hành kiểm định 50.000 tấn mật ong xuất khẩu vào thị trường Mỹ mỗi năm và 100% không bị trả lại do đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt về kháng sinh và hóa chất của nước nhập khẩu. Việc nông sản của Hoàn Vũ xuất khẩu thành công có sự đóng góp lớn của khâu truy xuất nguồn gốc.
Ông Henry Bùi, Tổng giám đốc Hoàn Vũ cho biết, đối với những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Australia…, truy xuất nguồn gốc là một mắt xích quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu.
Tại Dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam đang được triển khai với 40.000 ha tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), mỗi năm huyện Mộc Châu và Vân Hồ sản xuất khoảng 70.000 tấn rau theo quy trình VietGAP với giá trị khoảng 30 triệu USD. Sản xuất rau theo quy trình VietGAP cho năng suất cao hơn 110%.
“Thị trường sẵn sàng chi trả thêm 30 - 40% chi phí cho rau có chứng nhận VietGAP”, bà Nguyễn Thị Nga, điều phối viên dự án cho biết.
Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri, bà Nguyễn Thị Thành Thực, cũng chia sẻ, truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin là điều vô cùng quan trọng và cực kỳ hữu ích đối với người sản xuất cũng như cung ứng để bảo vệ thương hiệu của mình trong quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp.
"Một HTX dịch vụ nông nghiệp ở Bình Phước mà tôi mới vận động thành lập đã ứng dụng các công nghệ số, công nghệ truy xuất nguồn gốc rất nhanh. Nhờ đó, vườn sầu riêng của HTX này là một trong những cơ sở tiêu biểu khi phía Trung Quốc giám sát vấn đề thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc vùng trồng", bà Thực cho hay.
Còn ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Tentamus) cho rằng, truy xuất nguồn gốc không chỉ là quản lý trong chuỗi cung ứng, mà còn cung cấp thêm thông tin cho nông dân nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của từng nhà nhập khẩu hay thị hiếu của người tiêu dùng.
Khẳng định tầm quan trọng của số hóa trong truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp. Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang có Big data khổng lồ. Để truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, chính xác, tạo niềm tin cho khách hàng, cần sự chung tay của người sản xuất, người nông dân, HTX, doanh nghiệp, địa phương và của cơ quan nhà nước.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống truy xuất đã có sự tham gia của hơn 3.964 doanh nghiệp với 16.987 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển, chuyển đổi số hệ thống truy xuất còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, nên việc áp dụng các công nghệ hiện đại như camera giám sát, bộ cảm biến, bộ định vị… để theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, cập nhật các thông tin vào hệ thống còn bất cập. Chưa kể, việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cần phải đầu tư kinh phí rất lớn. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa chi tiết; truy xuất nguồn gốc chưa triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước…
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, muốn thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quan trọng nhất là cơ quan nhà nước cần soạn những hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn.
Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho biết, hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Nhưng nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ lỏng lẻo, doanh nghiệp thu mua dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.
“Cần phát triển một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn HTX, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin”, ông Vinh đề xuất.