Chuyển đổi số, chuyện sống còn của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tận dụng các cơ hội và nguồn lực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số là bài toán lớn đang đặt ra cho tất cả các doanh nghiệp.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Chạy đua số hóa

Công ty cổ phần Abivin Việt Nam đã vượt qua 40 doanh nghiệp khác để giành giải thưởng cao nhất của Cuộc thi World Cup Khởi nghiệp thế giới tại Hoa Kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp mới chỉ có hơn 5 năm tuổi đời này từng là Quán quân trong Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2018. Abivin là đơn vị phát triển phần mềm Abivin vRoute cho ngành dịch vụ logistics, dựa trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây.

Nhờ tối ưu hóa chi phí vận hành, cải thiện tỷ lệ đầy xe, phần mềm này không chỉ được nhiều doanh nghiệp logistics trong nước, mà nhiều hãng logistics toàn cầu ứng dụng.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải là Công ty TNHH Công nghệ Logivan mới đây đã huy động được 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư nước ngoài. Logivan được ví như "Uber của xe tải", chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố. Trong năm 2018, Logivan đã kết nối hơn 22.000 đối tác vận tải, 10.000 chủ hàng đăng ký tham gia hệ thống của mình.

Cuộc chạy đua số hóa không chỉ nóng lên trong giới khởi nghiệp, mà còn buộc hầu hết các doanh nghiệp phải chuyển mình để tồn tại trong môi trường kinh doanh nhiều biến động và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, từ lâu, Tập đoàn đã xác định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh. Trong nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, đầu tháng 11/2020, Phúc Sinh đã ra mắt giao diện website thương mại mới và app bán hàng trên điện thoại.

Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, Lộc Trời, Nafoods là những doanh nghiệp được biết đến với việc đầu tư khá sớm cho ứng dụng công nghệ số vào sản xuất – kinh doanh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Lộc Trời, Nafoods là những doanh nghiệp được biết đến với việc đầu tư khá sớm cho ứng dụng công nghệ số vào sản xuất – kinh doanh.

Nếu như Lộc Trời chọn Digital Farming và IAP là những ứng dụng số hóa để tạo ra những thay đổi vượt bậc trong quy trình sản xuất gạo nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo thì Nafoods lại theo đuổi công nghệ blockchain để làm tốt việc quản lý vùng trồng các cây ăn quả phục vụ cho thị trường xuất khẩu như thanh long, chanh leo.

Việc ứng dụng những công nghệ này đã tạo lợi thế cho các doanh nghiệp khi đàm phán giá với đối tác xuất khẩu, giúp tối ưu hóa được lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số, xu hướng tất yếu trong kinh doanh

Sau một năm 2020 vật lộn với đại dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp đã nhận thức được rằng, chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp trụ vững và vươn lên.

Thế giới không ngừng thay đổi và doanh nghiệp cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị tụt lại phía sau nếu như không thích ứng được với môi trường kinh doanh mới - sân chơi của cộng đồng doanh nghiệp biết tận dụng thế mạnh của công nghệ và số hóa để tăng tốc và bứt phá.

Khảo sát mới nhất của Vietnam Report cho thấy, Top 3 chiến lược của doanh nghiệp để chuẩn bị đưa chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, đó là số hóa các hoạt động quản trị doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 65,0%); phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số (58,3%) và chi cho đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ (56,7%).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phản hồi họ đã và đang tăng cường hợp tác với các đối tác để đưa công nghệ ứng dụng vào các kênh phục vụ khách hàng, tiếp thị và bán hàng cũng như các dịch vụ phụ trợ như duyệt hồ sơ, chữ ký điện tử và nhận diện khuôn mặt.

Với những chuẩn bị như vậy, ngay cả các doanh nghiệp lọt bảng xếp hạng Profit500 cũng kỳ vọng rằng chuyển đối số sẽ giúp tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động; tăng cường vị thế cạnh tranh và xây dựng thị phần; giúp doanh nghiệp khám phá nhóm khách hàng tiềm năng, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng, đồng thời mở rộng kênh phân phối để phát triển mạng lưới cũng như tự động hóa các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công là không đơn giản. Nhiều doanh nghiệp đã và đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản khi tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số như nguồn vốn đầu tư lớn; đối tác kinh doanh chưa sẵn sàng hợp tác về các giải pháp số; không đủ nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu công cụ đảm bảo an ninh mạng và bảo mật dữ liệu…

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, bước vào kỷ nguyên số, doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt kịp xu thế mới, không chỉ đơn thuần là mô hình kinh doanh truyền thống hay áp dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô, mà ngày nay, mô hình kinh doanh Platform (nền tảng) đang dần chiếm ưu thế và được ứng dụng rộng rãi hơn.

Việc lựa chọn mô hình thích hợp là rất quan trọng để phù hợp với năng lực cũng như khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Tìm hướng chuyển đổi phù hợp ngành

Với ngành bán lẻ, câu hỏi lớn đặt ra là tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động mua sắm và dẫn đến những cơ hội kinh doanh mới nào?

Trả lời câu hỏi này, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng, có 5 xu hướng chuyển đổi số chủ đạo sẽ làm thay đổi vĩnh viễn ngành bán lẻ, bao gồm đẩy mạnh bán hàng đa kênh (omnichannel), tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp, ứng dụng công nghệ không chạm và linh hoạt trong thanh toán vốn trong hoạt động marketing, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua sử dụng mã QR, hay tích hợp với dịch vụ công nghệ thực tế ảo cho phép người tiêu dùng thử sản phẩm tại nhà, đặc biệt dưới tác động của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới như phân tích Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) sẽ ngày càng đóng vai trò cốt lõi trong việc nghiên cứu sở thích và hành vi của khách hàng để tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Qua nghiên cứu hành vi thay đổi của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch, các nhà bán lẻ tại Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt hành vi người tiêu dùng, khai thác sâu các kênh trực tuyến, các app bán hàng, tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy tích hợp đa kênh.

Nhờ sự chuyển đổi kịp thời đã giúp cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ như Lotte Mart tăng trưởng doanh số qua kênh online từ 100 - 200%.

Nhờ sự chuyển đổi kịp thời đã giúp cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ như Lotte Mart tăng trưởng doanh số qua kênh online từ 100 - 200%, đặc biệt ở thị trường Hà Nội và TP.HCM. Phần lớn các doanh nghiệp bán lẻ đều cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo một cú huých khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Còn trong ngành logistics, một ngành nền tảng quyết định năng lực cạnh tranh trong chi phí của nền kinh tế, theo ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc Công ty cổ phần Logistics và khai thác cảng Lokaport, việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số sẽ là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

Chẳng hạn, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đã đưa ra các giải pháp công nghệ thông tin nhằm đảm bảo an toàn hàng hải cho hai tuyến luồng là Vũng Tàu - Thị Vải và Cái Mép - Thị Vải. Hay Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa vào sử dụng Cảng điện tử ePort và Lệnh giao hàng điện tử eDO.

Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan như cảng điện tử (ePort), lệnh giao hàng điện tử (eDO), số hóa chứng từ vận tải (Invoicing and Payments), nhà kho thông minh (Smart Warehousing)…

Nhờ vậy, 58% nhà cung cấp dịch vụ logistics đã rút ngắn lộ trình, nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ và giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục