Chuyển đổi số để nông nghiệp tiếp tục vai trò “trụ đỡ”

0:00 / 0:00
0:00
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số.
Nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số. Nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số, với việc xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.

Nông dân là gốc

Theo Báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch Phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 và triển khai Kế hoạch năm 2021 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Trong bối cảnh khó khăn, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu khoảng 41,2 tỷ USD. “Đây là kết quả đáng mừng, nhưng sắp tới, nông nghiệp phải chuyển đổi số, sản xuất trên vùng nguyên liệu lớn để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao”, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ.

Nông nghiệp vốn là trụ đỡ trong nền kinh tế nhiều năm qua. Song bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico cho rằng, vai trò của nông nghiệp chưa được nhìn nhận đúng mức thời gian qua, nên chưa có nguồn lực đầu tư vào. Trong năm “sóng gió” vì đại dịch, vai trò này mới được khai thác rõ hơn.

Bà Thực đặt niềm tin lớn hơn vào tiềm năng phát triển nông nghiệp, khi đây là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số trong Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, trên từng mét đất.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico

Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Thực thấy tâm đắc về việc xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, với mục tiêu mỗi nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Nghĩa là phải tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Theo bà Thực, số hoá tư liệu sản xuất và lực lượng lao động thì mới có cơ sở dữ liệu gốc để chuyển đổi số nông nghiệp. Cùng với đó là xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. “Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, trên từng mét đất, vì phần lớn đất đai làm nông nghiệp đều được giao cho nông dân”, bà Thực nhận định.

Nhưng nhiệm vụ không của riêng nông dân

Sau 4 năm phối hợp với tỉnh Đồng Tháp triển khai mô hình cánh đồng thông minh, lãnh đạo Tập đoàn Mỹ Lan đánh giá, nông dân sẵn lòng hợp tác sản xuất và nhanh nhạy khi sử dụng các thiết bị điều khiển. Theo đó, chỉ với một chiếc điện thoại, họ có thể truy cập thông tin về mực nước, chất lượng nước để có thể lấy nước vào khi canh tác bất cứ lúc nào.

Các thiết bị thông minh khác cũng được lắp đặt trên đồng ruộng như hệ thống quan trắc, mạng lưới theo dõi định lượng sâu rầy có hại và thiên địch có lợi theo từng giờ. Mỹ Lan còn phối hợp với Đạm Cà Mau để mỗi bao phân có mã vạch định danh. Khi đó, chỉ cần dùng điện thoại, nông dân sẽ nắm được công thức, hướng dẫn sử dụng theo từng thời điểm với liều lượng tương ứng.

“Vấn đề nhân rộng không khó, mà tùy vào quyết tâm của các thành tố trong chuỗi giá trị”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan nói.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực khẳng định, nếu nông dân sẵn sàng hợp tác với các bên để chủ động nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm do mình canh tác, thì giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn và lợi nhuận nhiều hơn. Bên cạnh đó, vai trò của lãnh đạo chính quyền địa phương trong hỗ trợ kết nối với các đơn vị cung cấp giải pháp, quản trị dữ liệu… rất quan trọng.

“Để chuyển đổi số trong nông nghiệp, đầu tiên là nông dân phải chịu làm, trung thực với số liệu của mình, sau đó đến chính quyền các tỉnh trong quản trị dữ liệu để liên kết với hải quan trong kiểm soát hàng giả mạo mã vùng trồng, mã xưởng”, bà Thực đánh giá và lấy ví dụ về vụ việc xoài Đồng Tháp bị mạo danh khi xuất khẩu sang Trung Quốc, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu mà người dân Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương đã cố gắng xây dựng trong hơn 3 năm qua.

“Công nghệ và thể chế là phần quan trọng trong chuyển đổi số. Văn hoá ứng xử giữa các thành tố trong chuỗi giá trị cũng rất quan trọng. Chuyển đổi số nói chung và trong nông nghiệp nói riêng sẽ là cuộc cách mạng được bắt đầu từng bước với mỗi người một việc nhỏ”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục