Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF 2020) khai mạc sáng nay (22/12) tại Hà Nội, bên cạnh việc chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã thành công trong kiểm soát COVID-19, trong khi tiếp tục duy trì được tăng trưởng và sự hấp dẫn của quốc gia đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các hiệp hội cũng đã đưa ra khuyến nghị để Việt Nam có thể xem xét để chuẩn bị cho việc khắc phục sau đại dịch.
“Tôi muốn tập trung vào một số vấn đề mà tôi cho rằng Việt Nam có thể xem xét để chuẩn bị cho việc khắc phục sau đại dịch, đó là nền kinh tế kỹ thuật số nói chung và thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, điện toán đám mây và chính phủ điện tử nói riêng, xuất phát từ nhu cầu giảm giao dịch trực tiếp và tiến tới mục tiêu giảm sử dụng tiền mặt vĩnh viễn của Việt Nam. Các công ty nước ngoài như chúng tôi đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước và hy vọng hệ thống điện tử cùng với an ninh mạng sẽ giúp ích hơn chứ không làm ảnh hưởng cho sự tích hợp cùng phát triển với các tiêu chuẩn toàn cầu”, bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham) nói.
Còn ông Tetsu Funayama, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đặt vấn đề, câu hỏi đặt ra là thực hiện “Chuyển đổi kỹ thuật số” - yếu tố chìa khóa ảnh hưởng tới sự hưng thịnh hay lụi tàn của các doanh nghiệp và việc kinh doanh trong tương lai bằng cách nào? Đây là một đề tài vô cùng quan trọng trong việc quyết định khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù việc ứng dụng chuyển đổi số có thể phải đồng nghĩa với nguy cơ đánh đổi các chính sách về an ninh quốc gia và doanh nghiệp, việc ứng dụng nhanh và đi trước các quốc gia khác sẽ đem lại lợi ích to lớn đối với Việt Nam.
“Chính vì thế, chúng tôi rất hy vọng Chính phủ sẽ có những hỗ trợ đặc biệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn đóng góp sức mình cho Việt Nam trong lĩnh vực này”, ông Tetsu Funayama nói.
Cụ thể hơn, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ, số lượng giao dịch xuyên biên giới ngày càng gia tăng, giải pháp chữ ký điện tử (DocuSign, SignNow, SignEasy...) đang được sử dụng rộng rãi hơn bởi nhiều đối tác kinh doanh quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhược điểm của việc sử dụng chữ ký và con dấu “tươi” càng bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết.
“Tại Việt Nam, mặc dù Luật Giao dịch điện tử 2005 đã có hiệu lực nhiều năm, nhưng các quy định về chữ ký điện tử vẫn chưa được áp dụng hiệu quả trong thực tế nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Việc sử dụng chữ ký điện tử còn gặp nhiều rào cản về mặt công nghệ và giá trị pháp lý. Tiểu ban Vận tải và Hậu cần đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế áp dụng rộng rãi các giải pháp chữ ký điện tử nhằm giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật và việc công nhận giá trị pháp lý của các giao dịch/hợp đồng được ký bằng chữ ký điện tử”, ông Tomaso Andreatta nói.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhược điểm của việc sử dụng chữ ký và con dấu “tươi” càng bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết
Ông Kenneth Atkinson, đại diện Phòng thương mại Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham Việt Nam) đề cập đến câu chuyện ông nghệ tài chính (Fintech): “Vương quốc Anh được công nhận là trung tâm Fintech toàn cầu hàng đầu. Các công ty Anh đang mong muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Một khuôn khổ pháp lý thuận lợi hơn sẽ tạo sự chắc chắn cho các công ty muốn gia nhập thị trường Việt Nam”.
Đại diện BritCham Việt Nam cho rằng, các quy định đối với Fintech tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việt Nam chưa ban hành bất kỳ quy định chính thức hoặc hướng dẫn rõ ràng nào cho lĩnh vực Fintech; điều này sẽ hạn chế đầu tư và gây ra do dự của các công ty muốn tiếp cận thị trường Việt Nam.
Chú trọng nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế
“Chúng tôi được biết, NHNN đang dự thảo Nghị định về Fintech, đang lấy ý kiến của nhiều bộ ngành và cơ quan liên quan, do đó chúng tôi mong Nghị định này sẽ sớm được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, đại diện BritCham tại Việt Nam kiến nghị.