Sẽ sớm đấu giá ụ nổi
Sau 8 năm kể từ khi được mua về từ Liên bang Nga mà không có lấy nổi một ngày sử dụng, cuối cùng, Vinalines đã phải xin chủ trương từ Bộ Giao thông - Vận tải đối với phương án bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M với giá khởi điểm là 34,85 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến không trễ hơn quý II/2016.
Hiện đấu giá nguyên trạng là phương án xử lý ụ nổi 83M được lãnh đạo Vinalines xác định là “bất đắc dĩ” nhằm thu hồi đồng nào hay đồng ấy cho đống tài sản có giá trị sổ sách tính đến ngày 31/12/2015 lên đến hơn 500 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối năm 2012, ngoài việc bán thu hồi tài sản, Vinalines đã trình bộ chủ quản nhiều phương án xử lý ụ nổi, như liên doanh với nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục đầu tư thông qua đơn vị được giao quản lý là Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY); cho thuê hoặc hợp tác khai thác ụ nổi; tự khai thác.
Trên thực tế, suốt 3 năm qua, Vinalines và VNLSY đã gõ cửa nhiều đối tác trong và ngoài nước, như ST Marine (Singapore), Dung Quất Shipyard - Petro Việt Nam, Công ty Tân Cảng Petro Cam Ranh, Nhà máy X50 Đà Nẵng, Xí nghiệp Đóng tàu Ba Son - Bà Rịa và một số đối tác của Nga có nhu cầu mở nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu quân sự tại Cam Ranh…, nhưng đều không nhận được hồi âm tích cực.
“Căn cứ hiện trạng neo đậu, khả năng khai thác ụ nổi, tình hình công nợ của VNLSY, việc bán nguyên trạng ụ nổi 83M khi các phương án khác không thành công là phù hợp nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines khẳng định.
Hiện vướng mắc lớn nhất trong việc hóa giá tài sản đã được gỡ bỏ khi vào đầu tháng 10/2015, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) của Bộ Công an khẳng định, ụ nổi 83M do Vinalines mua, nhập khẩu về Việt Nam không còn là vật chứng của 2 vụ án do C46 thụ lý điều tra gồm: vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinalines và vụ án tham ô tài sản tại VNLSY.
Được biết, mặc dù bị đánh giá là mua hớ, tại thời điểm đó, ụ nổi 83M không phải chỉ có con đường duy nhất là “xẻ” thịt bán sắt vụn. Nhà máy Đóng tàu Ba Son từng đề xuất Vinalines phương án hợp tác hoặc chuyển nhượng ụ nổi.
Tuy nhiên, phương án hợp tác này bị đổ vỡ, do tại thời điểm đó, ụ nổi vẫn được C46 xác định là vật chứng của vụ án tham nhũng tại Vinalines. Với yêu cầu nói trên, ụ nổi M83 phải được quản lý, bảo quản và không được bán thanh lý khi chưa có quyết định của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.
Bán theo giá phế liệu
Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi có đơn vị nào đó rước về bằng giá khởi điểm, thì số tiền mà Vinalines thu hồi được thậm chí không đủ trả phí neo đậu cho Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai - đơn vị quản lý cảng Gò Dầu B cũng như các khoản công nợ phát sinh.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B (tỉnh Đồng Nai) từ 7 năm nay, trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị Đăng kiểm rút cấp từ tháng 1/2011, bảo hiểm hết hạn từ tháng 6/2012. Tính đến ngày 31/12/2015, công nợ phát sinh có liên quan đến ụ nổi 83M đã lên tới hơn 50 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối năm 2014, sau khi bị chủ cảng thúc ép do quan ngại nguy cơ mất an toàn hàng hải, VNLSY đã lên các phương án bảo đảm an toàn tạm thời cho ụ nổi, kể cả phương án “đau xót” là đánh chìm ụ nổi trong trường hợp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại.
Do ụ nổi 83M là tài sản đơn chiếc, không có giao dịch trên thị trường, nên VNLSY đã thuê Công ty cổ phần Đầu tư và định giá AIC - Việt Nam để xác định giá khởi điểm khi nhượng bán tài sản. Sau gần 1 tháng thẩm định, AIC - Việt Nam có chứng thư thẩm định xác định giá trị ụ nổi 83M theo phương pháp chi phí là 34 tỷ đồng.
Ông Tĩnh cho biết thêm, do VNLSY không có hoạt động kinh doanh, không có nguồn tài chính để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nên kết cấu thép của ụ nổi xuống cấp rất nhanh do rỉ sét nhiều. Báo cáo thẩm định của AIC cho thấy, tại thời điểm thẩm định, giá sắt thép ở mức thấp, đặt biệt là giá thép phế liệu lại càng thấp, đã ảnh hưởng lớn đến giá trị hiện tại của ụ nổi.
Đại diện Vinalines cho biết, tổng tài sản của VNLSY là 647 tỷ đồng, giá trị sổ sách của ụ 83M là hơn 500 tỷ đồng, nên Hội đồng Thành viên Công ty hoàn toàn có thẩm quyền thông qua hợp đồng bán ụ nổi.
“Do dự án nhà máy sửa chữa tàu biển không còn khả thi, nên việc thanh lý, nhượng bán ụ nổi M83, nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ khối tài sản này cần sớm được thực hiện để giảm bớt tổn thất cho Tổng công ty và Nhà nước”, đại diện Vinalines cho biết.