Chuyện của các mã lớn

(ĐTCK) Yếu tố kỹ thuật cũng như nhiều yếu tố cơ bản trong nước khá thuận lợi cho một đợt tăng giá ngắn hạn trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối tháng 12. Tuy nhiên, những động thái bên ngoài vẫn là câu chuyện khó dự đoán và hướng đi của các mã lớn đang có phần... ngược nhau.
Chuyện của các mã lớn

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi tạo đáy mới trong năm 2018 tại 888 điểm vào ngày 30/10 đã hồi lên 925 điểm ngày 6/11, rồi điều chỉnh về 897 điểm ngày 15/11 và đi lên ổn định trong nửa cuối tháng 11. Sau khi tăng 25 điểm trong phiên đầu tháng 12 lên 951 điểm, chỉ số dao động nhẹ trong vùng 955 - 958 điểm.

Trong sự hồi phục đó của thị trường, có sự chuyển biến rõ rệt là khối nhà đầu tư nước ngoài giảm bán ròng và trong 2 tuần gần đây chuyển qua mua ròng. Đặc biệt, các cổ phiếu trong nhóm Vingroup bao gồm VIC, VRE, VHM tăng giá, bên cạnh đó có sự hồi phục của giá cổ phiếu VNM sau một tháng có diễn biến giảm. Đây đều là các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến chỉ số.

 Theo các chỉ báo kỹ thuật, chỉ số có thể điều chỉnh  về vùng 910 - 920 trước khi chinh phục mốc 980 điểm

Tuy nhiên, các tin tức xấu tốt đan xen trên thị trường thế giới kèm theo sự không ổn định của thị trường chứng khoán quốc tế làm cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam luôn trong trạng thái nghi ngờ và không chắc chắn.

Trong nửa cuối tháng 12 này, những yếu tốt nào tác động đến hướng đi của thị trường và nhóm ngành nào sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thứ nhất, các quỹ gồm FTSE ETF và VNM ETF sẽ tiến hành tái cơ cấu danh mục vào ngày 21/12. Thực tế cho thấy, mỗi lần hai quỹ ETF thực hiện hoạt động định kỳ hàng quý này thì thị trường đều có những biến động nhất định và khó lường. Thị trường sẽ suy đoán và đánh theo động thái mua vào, bán ra của hai quỹ.

 Giá cổ phiếu VNM sau khi tạo đáy tại 115.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên 136.000 đồng/cổ phiếu, sau đó điều chỉnh và phiên cuối tuần qua tăng giá ấn tượng. Dự báo, VNM sẽ chinh phục mốc 140.000 đồng/cổ phiếu trong tuần này.

Nhà đầu tư có thể mua vào trước những cổ phiếu được dự đoán quỹ thêm vào danh mục, đến khi quỹ chính thức công bố thêm vào danh mục thì bán ra, hay bán ra đúng ngày quỹ mua vào để kiếm lời. Hoặc nhà đầu tư mua vào cổ phiếu bị quỹ bán ra mạnh, với hy vọng sau đó cổ phiếu sẽ hồi phục.

Chiến lược này dành cho các nhà đầu tư nhanh nhạy, có sự hiểu biết sâu về câu chuyện tái cơ cấu của các quỹ, nhưng không phải tất cả đều thành công. Lưu ý, hầu hết cổ phiếu trong danh mục của 2 quỹ ETF sẽ không biến động giá nhiều trước ngày quỹ tiến hành tái cơ cấu.

 Cổ phiếu VHM tạo đáy tại 63.000 đồng/cổ phiếu và tăng liên tục trong hơn 1 tháng sau đó, lên mốc 82.000 đồng/cổ phiếu. Cuối tuần qua, cổ phiếu này giảm giá, đầu tuần này đứng giá. Diễn biến giá trong các phiên tới có thể kém khả quan.

Liên quan đến các quỹ đầu tư, tháng 12 là thời điểm các quỹ chốt giá trị tài sản ròng (NAV), nhiều khả năng sẽ xuất hiện hoạt động mua vào nhằm “kéo” chỉ số để quỹ có báo cáo “đẹp”.

Thứ hai, sự hồi phục của thị trường trong nửa cuối tháng 11 có liên quan nhiều đến động thái mua bán của khối ngoại. Khối ngoại tích cực mua vào cổ phiếu VNM giúp nâng đỡ thị trường, trong khi xét tổng thể toàn thị trường, khối này giảm bán ròng và quay sang mua ròng ở một số phiên chỉ số điều chỉnh.

Theo thống kê, khối ngoại gần như mua ròng VNM trong cả tháng 11, giúp cổ phiếu này hồi phục từ đáy năm 2018 là 115.000 đồng/cổ phiếu ngày 16/11 lên 133.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên 7/12, rất tương quan với sự đi lên của VN-Index.

Cổ phiếu VCB đã có 4 phiên liên tiếp giao dịch trong biên độ 57.000 - 58.000 đồng/cổ phiếu. Có thể, tuần từ 10 - 14/12 sẽ là một tuần điều chỉnh nhẹ của VCB, về vùng 55.00 - 56.000 đồng/cổ phiếu, trước khi chinh phục lại mốc 60.000 đồng/cổ phiếu. Nếu VCB điều chỉnh thì khả năng nhiều mã ngân hàng khác cũng sẽ điều chỉnh. 

Trong thời gian từ 16/11 - 7/12, cổ phiếu VNM chỉ có 4 phiên “đỏ”, còn lại là “xanh”, giúp nâng đỡ thị trường và niềm tin nhà đầu tư. Tháng 12, Quỹ Platium Victory đăng ký mua thêm cổ phiếu này và VNM sẽ chốt quyền trả cổ tức 10% vào ngày 28/12. Đây là thông tin tích cực, nếu giá cổ phiếu VNM ổn định và đi lên sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường.

Thứ ba, trong tháng 11 vừa qua, kinh tế vĩ mô duy trì sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,29% - thấp nhất trong 9 năm, bình quân 11 tháng tăng 3,59%. Tháng 12, có thể CPI sẽ tăng, nhưng nhiều khả năng không cao, khi giá xăng đã giảm 1.000 đồng/lít. Điều này giúp cho lãi suất ổn định ở mức thấp, sau khi có dấu hiệu tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Lãi suất ổn định, các doanh nghiệp niêm yết sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí lãi vay, giúp các kế hoạch kinh doanh được hiện thực hóa.

Tuần từ 3 - 7/12 là tuần điều chỉnh của cổ phiếu GAS, nhưng phiên cuối tuần tăng giá. Dự báo, tuần từ 4 - 7/12, cổ phiếu GAS nói riêng, nhóm dầu khí nói chung, sẽ có diễn biến tích cực. 

Thị trường đang kỳ vọng kết quả kinh doanh quý cuối năm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản. Nếu nhóm bất động sản có kết quả kinh doanh ấn tượng thì sự lan tỏa ra toàn thị trường sẽ rất đáng kể, vì đây là nhóm công ty yêu thích của các nhà đầu tư và đầu cơ.

Bên cạnh đó, xuất siêu 11 tháng đầu năm 2018 đạt kỷ lục 6,8 tỷ USD, điều này cho thấy diễn biến khả quan của hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như không có hoạt động rút vốn đáng kể nào và giúp tỷ giá tiếp tục ổn định, nhóm dệt may, thủy sản có thêm một năm tăng trưởng mạnh. Tỷ giá ổn định giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi đầu tư ở Việt Nam.

Thứ tư, câu chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất trong tháng 12 đang được cả thế giới quan tâm. Thực tế, sau đợt tăng lãi suất của Fed trong tháng 3 và tháng 9 năm nay, thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh và thị trường Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó.

Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 có hai đợt điều chỉnh mạnh là tháng 4 - 5 và tháng 10 - 11, trùng khớp với hiệu ứng từ 2 đợt Fed tăng lãi suất và các đợt bán ròng của khối ngoại trong nhiều phiên liên tiếp.

Nếu tháng 12 này, Fed tiếp tục tăng lãi suất, thị trường chứng khoán rất có thể gặp khó khăn. Các nhà đầu tư cần thận trọng chờ xem điều gì sẽ xảy ra vào ngày 19 - 20/12 tới. Dự báo, thị trường sẽ không biến động nhiều trong khoảng thời gian từ nay đến Noel.

Tóm lại, nhìn vào yếu tố cơ bản thì tình hình kinh tế trong nước là khá thuận lợi cho một đợt tăng giá ngắn hạn trong tháng 12. Yếu tố kỹ thuật cũng cho thấy, thị trường sẽ có một tháng 12 thuận lợi. Tuy nhiên, nếu các yếu tố bất lợi đến từ bên ngoài xuất hiện, đặc biệt là FED tăng lãi suất thêm một lần nữa, thì kỳ vọng VN-Index tăng điểm có thể khó trở thành hiện thực, nhất là khi giá một số cổ phiếu vốn hóa lớn đang chuyển động... ngược nhau (xem đồ thị).

Việt Hùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục