HPG giảm mạnh vì thông tin full margin?
Khi thông tin về việc hết hạn mức margin với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tại Công ty Chứng khoán (CTCK) Sài Gòn (SSI) vừa đăng tải thì giá cổ phiếu HPG lập tức điều chỉnh từ giá xanh về dưới giá tham chiếu trong cùng phiên. Trước đó, HPG đã có phiên tăng điểm khá mạnh, lên 67.000 đồng/cổ phiếu sau nhịp điều chỉnh ngắn hạn về mức giá 58.000 đồng/cổ phiếu.
Đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì việc một cổ phiếu hết margin tại một CTCK lớn là thông tin đáng tham khảo. Điều này cho thấy độ nóng của cổ phiếu khi bước vào một giai đoạn tăng điểm mà nhà đầu tư có thể tận dụng margin để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, dù có thị phần lớn nhất thì tỷ trọng của SSI trong toàn thị trường không phải áp đảo nên mức độ ảnh hưởng đến giá một cổ phiếu nào đó không lớn, nhất là với những cổ phiếu có thanh khoản cao như HPG.
Một số nhà đầu tư chia sẻ, tài khoản của họ mở tại SSI hiện được xử lý theo hướng, khi một cổ phiếu hết margin thì nhà đầu tư có tiền mặt tại tài khoản margin cũng không thể đặt được lệnh mua cổ phiếu đó. Phần mềm cũng không thông báo lý do không đặt lệnh hoặc thông báo không đủ tiền giao dịch.
Để mua được cổ phiếu bằng tiền mặt, nhà đầu tư phải chuyển tiền sang tài khoản thường. Đây là điểm khá phiền phức với nhà đầu tư và có thể làm mất đi cơ hội mua được giá thấp trong phiên. Ở một số CTCK khác có cách xử lý linh hoạt hơn, nên nhà đầu tư không gặp sự phức tạp này.
Trên thực tế, trạng thái full margin một mã cổ phiếu nào đó là chuyện thường xảy ra ở các CTCK, bởi tỷ lệ cho vay tối đa của CTCK đối với một mã cổ phiếu hiện bị khống chế ở mức 10% vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, ở những công ty có thị phần lớn như SSI hay HSC thì những thông tin như vậy được các môi giới khá quan tâm vì đó là chỉ báo về cơ hội đầu tư, về dòng tiền hay đo lường mức độ rủi ro của một cổ phiếu.
Nên rộng đường margin cho các mã lớn
Mới đây, trong kiến nghị gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, CTCK Maybank Kim Eng đề xuất nhà quản lý nên xem xét lại các tỷ lệ hạn chế margin. Theo đó, với việc cho vay khách hàng cá nhân, hiện pháp lý quy định chỉ được phép tối đa 3% vốn chủ sở hữu của CTCK, nhưng Maybank Kim Eng cho rằng, nên nới tỷ lệ này lên mức 5%. Việc nới tỷ lệ cho vay như vậy là cần thiết trong bối cảnh các CTCK nói chung đều có vốn chủ sở hữu chưa lớn, khi họ phục vụ 1 khách hàng có tài sản lớn và có nhu cầu vay lớn sẽ đỡ phải mở nhiều tài khoản để giao dịch.
Đề xuất tiếp theo từ Maybank Kim Eng là nên nâng tỷ lệ cho vay tối đa đối với 1 mã chứng khoán từ mức 10% vốn chủ sở hữu của CTCK lên mức 15% vốn chủ sở hữu. Thực tế, nếu tỷ lệ này được nới, không gian margin cho các cổ phiếu lớn như VNM, HPG, GAS, VCB… sẽ được nới rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả khách hàng và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ margin.
Cũng liên quan đến margin, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, quy định hiện hành về việc CTCK không được cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ do chính CTCK bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn trong khoảng thời gian 6 tháng đầu là quá chặt.
Thực tế này khiến nhiều loại cổ phiếu tốt khi CTCK tiến hành bảo lãnh phát hành với cam kết chắc chắn sẽ phải cân nhắc đối với điều kiện cho vay ký quỹ. Theo đó, công ty này đề xuất việc UBCK nên giảm thời hạn yêu cầu xuống 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.
Một điểm bó hẹp khác là quy định (tại Thông tư 203/2015/TT-BTC) nhà đầu tư nước ngoài không được giao dịch ký quỹ. Theo SSI, quy định này nên bỏ để nhà đầu tư nước ngoài được đối xử công bằng như nhà đầu tư trong nước. Ý kiến từ SSI cũng cho rằng, việc sửa quy định về margin nên hướng việc giảm tỷ lệ ký quỹ tối thiểu để thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt đối với các mã lớn, có độ thanh khoản tốt.
Nhiều CTCK đã thiết lập và vận hành theo các quy định về quản trị rủi ro nên việc giảm tỷ lệ margin tối thiểu khó có thể tạo nên sự mất an toàn cho thị trường. Trong khi đó, đây là giải pháp tạo không gian mở cho dòng vốn trên TTCK vận hành theo cung – cầu thị trường, đúng với bản chất của thị trường vốn hiện đại.