Đó là chia sẻ của ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải tại Hội nghị Logistics Việt Nam năm 2024 có chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 31/10.
Theo ông Bùi Thiên Thu, ở Việt Nam hiện nay, giao thông đường thuỷ nội địa có lợi thế rất lớn nhờ hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, nhưng vận tải thuỷ nội địa lại đang khá yếu so với các loại hình vận tải khác.
Cụ thể, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hiện nay gồm đường bộ là hơn 595.000 km (trong đó, có hơn 2.000 km là đường cao tốc), hơn 3.000 km đường sắt, 34 cảng biển, hệ thống cầu cảng nếu nối liền là khoảng 100 km cảng biển với đội tàu biển phục vụ vận tải hơn 1.000 chiếc, tổng trọng tại 10,7 triệu tấn, đứng thứ 3 trong khối ASEAN và đứng thứ 27 trên thế giới.
Riêng với hệ thống đường thuỷ nội địa, Việt Nam có trên 17.000 km đang khai thác, gồm 270.000 phương tiện vận tải thuỷ nội địa và trên 3.000 phương tiện chạy sông biển.
Theo ông Thu, trong những năm gần, đây hệ thống giao thông vận tải của Việt Nam đã có sự đầu tư khá tốt (cả công và tư) để phục vụ vận tải, giảm chi phí logistics. Nếu từ 5 - 7 năm trước, chi phí cho logistics là trên 20%, thì hiện nay là 16 - 18%.
“Đây là con số rất ấn tượng, đóng góp lớn cho hạ tầng giao thông vận tải, dù chưa đạt được mức độ trung bình của thế giới là 10,8%, thậm chí có nước dưới một con số, nhưng chúng ta cũng tiệm cận mục tiêu Chính phủ đưa ra để tiết giảm chi phí logistics”, ông Thu nói.
Đối với hạ tầng đường thuỷ nội địa, theo ông Thu, Việt Nam có lợi thế tự nhiên rất lớn, đặc biệt là khu vực phía Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long với 3.000 km hệ thống sông ngòi, kênh rạch; phía Bắc cũng có khoảng 3.000 km đường sông, cho thấy hoạt động thuỷ nội địa rất sôi nổi và là một lợi thế không phải nước nào cũng có. Tuy nhiên, trong việc phục vụ cho hàng hoá lưu thông xuất nhập khẩu, các cảng biển hiện nay đang chủ yếu kết nối với hệ thống đường bộ và đường thủy.
Do đó, theo ông Thu, cần đặt ra vấn đề kết nối đường thuỷ nội địa kết với cảng biển. Nếu khai thác hiệu quả đầu tư, sử dụng đường thuỷ nội địa kết nối cảng biển sẽ giảm rất nhiều cho chi phí logistics. Hiện một số địa bàn đã kết nối đường thuỷ khá tốt như cảng TP.HCM với khoảng 30% lượng hàng hoá; khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu lên đến 70 - 80%, nhưng ở Hải Phòng chỉ ở mức 10 - 11%. Xét riêng về hàng container, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cát Lái, hàng container chủ yếu ra vào cảng biển bằng đường thuỷ, trong khi Hải Phòng chỉ có 2% ra vào bằng đường thuỷ.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cho rằng, mỗi năm, vận tải đường thuỷ đóng góp 20% tổng vận tải hàng hoá toàn quốc, nhưng đầu tư công thì chưa đến 2%. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chúng ta có thể giảm chi phí đầu tư đường bộ, vì hiện chi phí đầu tư công cho đường bộ đang xấp xỉ 50 - 60%, nếu giảm đi 3% thì ảnh hưởng đến hiệu quả đường bộ không lớn, nhưng dùng 3% chuyển đi cho đường thuỷ thì hiệu quả vô cùng lớn.
“Có nghĩa chúng ta biết hiệu quả nhưng đầu tư cần có sự đồng bộ đối với các lĩnh vực trong giao thông vận tải, cân đối giữa vận tải đường bộ và đường thuỷ để khai thác tốt hơn”, ông Thu nhấn mạnh.
Về giải pháp chính sách phát triển giao thông đường thủy, ông Thu cho rằng với hạ tầng phần cứng như nạo vét, phao tiêu báo hiệu, nâng cấp khoang thuyền lớn hơn… thì đầu tư công sẽ là tiền đề, vốn mồi cho các khoản đầu tư tư nhân, bởi lĩnh vực đường sông thuỷ nội địa rất khó kêu gọi đầu tư tư nhân do hiệu quả mang lại chưa đạt kỳ vọng.
Cùng với đó là cần có sự kết nối, xây dựng cảng biển để các bến có sà lan, bởi một số cảng xây dựng vào giai đoạn trước còn thiếu bến phục vụ kết nối đường thuỷ.
Ngoài ra, còn một số chính sách khác thuộc về ứng dụng công nghệ thông tin, thuế, phí hạ tầng cảng biển... Chẳng hạn, TP. HCM đã giảm 50% phí hạ tầng cảng biển đối với toàn bộ hàng hoá vận chuyển bằng đường thuỷ nội địa về các cảng TP.HCM từ ngày 1/8/2022 và 100% phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hoá quá cảnh Việt Nam - Campuchia.
"Mỗi năm TP.HCM thu được 3.000 tỷ đồng từ phí hạ tầng cảng biển, nhưng chính sách miễn giảm phí đã giảm thu ngân sách Thành phố 1 năm khoảng 970 tỷ đồng (30%). Tuy nhiên, chúng ta được lợi hơn nhiều, như chuyển dịch cơ cấu từ đường bộ sang đường thuỷ; giảm nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ,…", ông Bùi Thiên Thu phân tích.