'Chuỗi lây nhiễm vô hình' virus corona làm đau đầu các chuyên gia

Việc không xác định được nguồn gốc các ổ dịch xuất hiện và khiến virus corona bùng phát đang trở thành mối lo ngại chính cho cơ quan y tế các nước.
Bệnh nhân nhập viện tại thành phố Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: AP. Bệnh nhân nhập viện tại thành phố Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: AP.

Tại Hàn Quốc, Singapore và Iran, các ổ dịch dần lộ diện vài ngày qua, làm bùng phát những ca nhiễm virus corona mới bên ngoài Trung Quốc.

Con số các ca nhiễm bệnh không phải là mối lo chính của các chuyên gia dịch tễ học. Việc không thể truy được nguồn gốc các ổ dịch mới là nguy cơ khiến các nhà khoa học lo ngại.

Ổ dịch bùng phát khắp toàn cầu

Các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định nỗ lực phong tỏa nhiều phần đất nước của Trung Quốc đã giúp phần còn lại của thế giới có thêm thời gian chuẩn bị để đối phó với virus corona chủng mới.

Nhưng, khi các điểm nóng xuất hiện khắp toàn cầu, việc không thể phát hiện bệnh nhân đầu tiên làm bùng phát các ổ dịch có thể là tín hiệu cho thấy dịch bệnh đã phát tán vượt quá sự kiểm soát của các nỗ lực ngăn chặn.

“Một số điểm nóng đã bùng phát, xuất hiện khắp thế giới là dấu hiệu cho thấy nhiều thứ đang diễn ra, và điều chúng ta sắp đối mặt là một đại dịch", Ian Mackay, chuyên gia virus tại Đại học Queensland, Australia, nhận định.

WHO khẳng định tình huống tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Các quan chức WHO cho rằng sự bùng phát các ca lây nhiễm virus corona tại Hàn Quốc và Iran là lời cảnh báo cho thấy thế giới sắp hết thời gian để kiểm tỏa sự lây lan của virus.

"Điều chúng ta đang thấy là một giai đoạn bùng phát virus rất khác, tùy vào nơi mà chúng ta xem xét. Tại từng quốc gia lại có những hình thức lây truyền virus khác nhau", Sylvie Briand, chuyên gia của WHO, nhận xét.

WHO định nghĩa "đại dịch toàn cầu" là sự lây lan dịch bệnh trên 2 châu lục, mặc dù một số chuyên gia y yế công cho rằng tình trạng đại dịch nên được ban bố khi dịch bệnh lây lan tại một khu vực địa lý rộng lớn, hoặc lây truyền qua các đường biên giới quốc tế.

Điểm nóng mới trong những ngày qua là Iran với 28 ca lây nhiễm, gồm 5 ca tử vong, chỉ trong vài ngày.

Ổ dịch xuất hiện ở thành phố Qom, địa điểm tôn giáo linh thiêng nổi tiếng của người Hồi giáo, tuy nhiên nguyên nhân dịch bệnh lan truyền tới đây chưa được làm rõ. Tồi tệ hơn, một số người nhiễm bệnh đã di chuyển từ Iran tới Lebanon và Canada.

Tại Hàn Quốc, phần lớn ca nhiễm bệnh mới được phát hiện hôm 19/2 có liên quan tới một nhà thời tại thành phố Daegu, gần một bệnh viện.

Tuy nhiên, nhà chức trách chưa thể xác định bệnh nhân đầu tiên lây nhiễm virus cho nhà thờ với 9.000 con chiên này.

Một số ca nhiễm virus cũng đã được xác nhận tại thủ đô Seoul, nguyên nhân và con đường lây nhiễm của các ca này cũng chưa được làm rõ.

Tại châu Âu, Italy đã phát hiện số ca nhiễm virus corona tăng gấp 4 lần chỉ trong một ngày. Dịch bệnh được cho là đã lây lan tại khu vực miền Bắc thông qua tiếp xúc tại bệnh viện và một quán cafe.

Lo ngại chuỗi lây nhiễm vô hình

Một ổ dịch với các ca nhiễm bệnh về bản chất không quá đáng lo ngại. Thực tế, các loại virus vốn được biết tới là dễ lây lan khắp thế giới do hoạt động giao thông.

Hàng bảo vệ đầu tiên là sử dụng biện pháp cách ly người bệnh và chữa trị để ngăn ngừa sự lây lan, đồng thời cách ly những người đã tiếp xúc với người bệnh cho tới khi kết thúc thời gian ủ bệnh.

Tuy nhiên, khi virus phán tán quá rộng, cố gắng lần theo mọi tiếp xúc của người bệnh sẽ trở nên bất khả thi và vô ích, điều Thủ tướng Singapore đã thừa nhận hồi đầu tháng 2.

"Nếu chúng tôi nhập viện và cách ly tất cả ca nghi nhiễm, hệ thống bệnh viện sẽ quá tải", ông Lý nói.

Tới nay, Singapore đã phát hiện 5 ổ dịch lây nhiễm virus, bao gồm 2 nhà thờ. Tuy nhiên, 8 ca lây nhiễm hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân lây nhiễm, do không có liên quan tới các ca lây nhiễm trước đó.

'Chuỗi lây nhiễm vô hình' virus corona làm đau đầu các chuyên gia ảnh 1

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Iran tại sân bay Najaf, Iraq. Ảnh:AP.

Các loại virus cũng rất khác nhau về khả năng lây nhiễm. Không giống các chủng corona từng gây ra đại dịch SARS hay mới đây là MERS, điều kiện thời tiết lạnh là môi trường lý tưởng cho virus corona chủng mới lây lan.

Những người có triệu chứng nhẹ, hay thậm chí chưa có triệu chứng, cũng có khả năng lây nhiễm virus.

"Trong trường hợp đó, tất cả các biện pháp ngăn chặn hiện nay của chúng ta sẽ không hiệu quả. Nó có triệu chứng giống như sự kết hợp giữa cảm lạnh và cúm tại nhiều quốc gia và sẽ không bị để ý tới khi có ai đó đổ bệnh nghiêm trọng", giáo sư Amesh Adalja từ Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins nói.

Theo giáo sư Mackay, các triệu chứng nhẹ là tín hiệu tốt lành bởi nó không khiến cho nhiều người tử vong.

"Tuy nhiên, đây là tin xấu nếu chúng ta muốn ngăn chặn nó bùng phát thành đại dịch".

Khi Hong Kong thông báo về ca tử vong đầu tiên do virus corona, nhà chức trách đặc khu cũng đồng thời xác nhận 3 ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng không có mối liên hệ với các ca được xác nhận trước đó, cũng như không có lịch sử di chuyển tới các vùng dịch ở Trung Quốc.

Chuang Shuk Kwan, chuyên gia Cơ quan Y tế Hong Kong, cảnh báo sự tồn tại của "chuỗi lây nhiễm vô hình" trong cộng đồng.

"Chuỗi lây nhiễm vô hình" cũng xuất hiện tại Hàn Quốc, khi nguyên nhân virus lây lan tới nhà thờ ở thành phố Daegu hiện chưa được làm rõ. Đồng thời, nhà chức trách cũng không xác định đường con đường dẫn tới sự lây nhiễm của các ca dương tính với virus corona ở Seoul.

Tương tự, nhà chức trách Singapore đang đối mặt ít nhất 3 ca nhiễm virus corona mà không xác định được nguyên nhân tại đảo quốc này.

Giai đoạn mới của cuộc chiến chống virus corona

Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, nhà chức trách cảnh báo sự lây lan của virus đã đạt tới một cấp độ mới tại các quốc gia này.

Hôm 21/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Se Kyun cho biết chính phủ nước này đã chuyển trọng tâm từ phong tỏa và kiểm soát biên giới sang làm giảm tốc độ lây nhiễm của virus ở trong nước. Các trường học và nhà thờ đã đóng cửa, các hoạt động tụ tập đông người bị cấm.

Trong khi đó, ông Takaji Wakita, giám đốc Viện Dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, kêu gọi người dân làm việc tại nhà hoặc làm việc theo ca để tránh hình thành các nhóm đông người ở nơi làm việc.

Nhà chức trách y tế Nhật Bản cũng kêu gọi người dân tránh tổ chức các cuộc hội họp không cần thiết.

'Chuỗi lây nhiễm vô hình' virus corona làm đau đầu các chuyên gia ảnh 2

Nhân viên y tế khử trùng tại khu vực đối diện nhà thờ ở thành phố Daegu. Ảnh:AP.

Tuy nhiên, giáo sư Adalja cảnh báo các biện pháp phòng ngừa mạnh tay như những gì Trung Quốc tiến hành ở tâm điểm bùng phát dịch bệnh Vũ Hán có thể là con dao hai lưỡi.

Việc phong tỏa tối đa có thể khiến người dân không thể tiếp cận các dịch vụ y tế quan trọng khác, ví du như cấp cứu trong trường hợp bệnh tim mạch.

Các chuyên gia hiện chưa thể dự đoán diễn biến của dịch bệnh và khả năng các ổ dịch hiện tại có thể khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng hay không.

Gagandeep Kang, chuyên gia vi sinh học, đồng thời là giám đốc Viện Khoa học và công nghệ y tế Ấn Độ, cho rằng giới chức y tế các nước cần nỗ lực kiểm tỏa sự lây lan của virus lâu nhất có thể, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất các bệnh viện và phòng nghiên cứu khoa học, gia tăng kho dự trữ thiết bị bảo hộ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát như tại Trung Quốc.

"Dù thời gian sắp hết, chúng ta vẫn có cơ hội để kiềm chế sự lây lan của virus. Tuy nhiên trong khi làm điều đó, chúng ta đồng thời phải chuẩn bị cho kịch bản cuối cùng, bởi sự bùng phát có thể đi theo bất kỳ chiều hướng nào, và mọi thứ có thể trở nên hỗn loạn", Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói.


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục