Chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn do tình trạng tắc cảng container

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc đóng cửa một nhà ga của cảng container bận rộn thứ ba thế giới đang là tín hiệu mới nhất cho thấy sự bất ổn trong vận tải đường biển có thể xảy ra trong thời gian tới.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn do tình trạng tắc cảng container

Điều này có thể gây ra mối đe dọa đối với sự hồi phục kinh tế thế giới vì sự chậm trễ liên tục và giá vận tải tăng mạnh có thể khiến nhu cầu không được đáp ứng và đẩy chi phí lên người tiêu dùng.

Một đợt bùng phát Covid-19 mới đã dẫn đến việc đóng cửa một phần cảng Ningbo-Zhoushan (Trung Quốc) vào tuần trước dẫn đến việc ngừng hoạt động của các tàu container đến và đi, làm giảm năng lực của cảng xuống chỉ còn 80% công suất.

Đợt đóng cửa một phần của cảng Ningbo-Zhoushan theo sau một đợt bùng phát khác của Trung Quốc trước đó vào tháng 5, dẫn đến việc đóng cửa kéo dài ba tuần của nhà ga Yantian ở Thâm Quyến và tạo ra kết quả tương tự đối với ngành vận tải trên toàn thế giới.

Sự gia tăng không ngừng của chi phí vận tải và tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng trên toàn thế giới đã làm tăng thêm hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Tác động của việc này dẫn tới thiếu hụt chất bán dẫn, giá nguyên liệu thô tăng cao và tình trạng thiếu tài xế xe tải khi các nhà bán lẻ đang có nhu cầu tích trữ hàng hoá trước mùa mua sắm cao điểm vào cuối năm.

Cước phí vận chuyển container tại một số tuyến đường chính

Cước phí vận chuyển container tại một số tuyến đường chính

Các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đang nỗ lực để bù đắp tác động của chi phí giá vận tải gia tăng khi chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến bờ Tây nước Mỹ tăng vọt lên 15.800 USD - mức tăng gấp 10 lần so với mức tiền đại dịch và tăng hơn 50% so với tháng 7.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng bắt đầu từ nửa cuối năm ngoái khi nhu cầu đối với các mặt hàng giảm xuống do tác động của đại dịch Covid, buộc các nhà vận chuyển phải giảm số hành trình, tuy nhiên những người tiêu dùng sau đó đã đặt hàng trực tuyến với mức độ cao chưa từng có, khiến thiếu hụt tàu và container.

Tiếp đó, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez vào tháng 3/2021 và việc đóng cửa nhà ga Yantian, bên cạnh các hạn chế về biên giới và sự vắng mặt của nhân viên cảng đã tạo ra nhiều thách thức cho các công ty vận tải.

Việc đóng cửa một phần vô thời hạn tại nhà ga của cảng Ningbo-Zhoushan là thách thức mới nhất có thể làm tăng thêm áp lực lên lĩnh vực vận tải trên toàn thế giới.

Theo VesselsValue, khoảng 350 tàu container có thể chở gần 2,4 triệu container 20 feet đang nằm tại các cảng trên toàn cầu và đang chờ di chuyển.

Thông tin từ Clarksons Platou Securities cho biết, vấn đề tắc nghẽn đang trở nên nghiêm trọng hơn khi 4,6% hạm đội tàu trên toàn thế giới có thể không hoạt động, tăng so với mức 3,5% trong tháng 7.

Lars Mikael Jensen, Chủ tịch mạng lưới vận chuyển đường biển tại Maersk - tập đoàn vận tải container lớn nhất thế giới, cho biết rằng, kịch bản này không có khả năng cải thiện vì biến thể Delta.

Số tàu container đang ứ đọng tại các cảng

Số tàu container đang ứ đọng tại các cảng

Hãng vận tải Hapag-Lloyd của Đức ước tính sự gián đoạn sẽ không có dấu hiệu suy giảm cho đến quý I/2022. CEO Rolf Habben Jansen của công ty cũng cũng cảnh báo rằng ngày thời gian đó có thể còn xa hơn do nhu cầu mạnh mẽ.

Ngoài các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ô tô và dệt may, ngày càng có nhiều tập đoàn báo cáo rằng họ đang gặp vấn đề về nhu cầu lắp ráp và đối mặt với áp lực tăng chi phí.

George Buckley, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu và Anh của Nomura cho biết: “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp của khu vực đồng euro trong một thời gian”.

Sự gián đoạn đã thúc đẩy các nhà sản xuất và nhà bán lẻ lớn hơn nghĩ đến việc tăng cường chuỗi cung ứng bằng cách gia tăng hàng tồn kho, tìm nguồn cung ứng kép và thậm chí là đưa hoạt động sản xuất trở về nước. Nhưng điều này đối với nhiều tập đoàn nhỏ lại là vấn đề sống còn.

“Tôi cho rằng đó là mối đe dọa lớn nhất mà nền kinh tế phải đối mặt vào lúc này. Hãy tưởng tượng nếu giá dầu tăng từ 20 USD/thùng lên 200 USD/thùng, thì điều đó sẽ tương đương với những gì đang xảy ra ngay bây giờ”, Philip Edge, giám đốc điều hành của Edge Worldwide Logistics, một công ty giao nhận hàng hóa có trụ sở tại Manchester cho biết.

Mặc dù so sánh như vậy có thể không chính xác vì các công ty vận tải phụ thuộc nhiều hơn vào các hợp đồng dài hạn so với thị trường dầu, nhưng điều đó cho thấy những căng thẳng đối với các ngành có thể phụ thuộc vào vận tải đường dài.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục