Diễn đàn Tài chính bền vững do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu GRI và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tổ chức với sự tài trợ của chính phủ Úc, Thụy Sĩ và Nhật Bản.
Trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu hụt dòng đầu tư vào các dự án phát triển bền vững, cần có những sáng kiến và giải pháp đột phá để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án mang lại hiệu quả về môi trường, xã hội và quản trị, góp phần tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng toàn diện cũng như vào chương trình nghị sự Mục tiêu Phát triển bền vững quốc gia.
“Mặc dù được kỳ vọng đóng vai trò thiết yếu giúp mở ra các cơ hội hướng dòng tiền đầu tư vào các dự án bền vững tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng hiện cần nỗ lực triển khai thực hiện các thông lệ quốc tế về phát triển bền vững để quản lý hiệu quả các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động tín dụng cũng như phát triển các sản phẩm tài chính sáng tạo phục vụ mảng thị trường mới này”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng phát biểu chào mừng tại Diễn đàn.
Một trong những nội dung trọng tâm của diễn đàn lần này là các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh cũng như cách thức huy động nguồn vốn đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu của Việt Nam gia tăng.
Một báo cáo gần đây của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC dự báo, tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD từ nay tới năm 2030, trong đó cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo là khoảng 59 tỷ USD với 31 tỷ USD nằm ở dự án năng lượng mặt trời, 19 tỷ USD nằm ở các dự án thủy điện nhỏ và 80 tỷ USD đối với các dự án công trình xanh.
“Báo cáo phát triển bền vững đã trở nên một công cụ hữu hiệu để thu hút dòng đầu tư vào các thị trường đang phát triển như Việt Nam vì thông lệ này giúp các doanh nghiệp thể hiện hiệu quả cam kết về phát triển bền vững cũng như coi đây là giá trị cốt lõi và định hướng cho mọi quyết định kinh doanh của doanh nghiệp mình”, Tiến sĩ Roberto de Ocampo, thành viên Hội đồng quản trị của GRl, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines và hiện là Chủ tịch Ngân hàng Philippine Veterans Bank nhấn mạnh.
Trong khi Việt Nam đang cần cải thiện mức độ hiệu quả các khoản đầu tư và tài trợ khí hậu cũng như đa dạng hóa các nguồn đầu tư vào lĩnh vực này, việc thiếu hụt dòng tiền đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể là rào cản đối với việc thu hút các khoản đầu tư tương tự từ thị trường quốc tế. Chính vì vậy, việc xây dựng một môi trường chính sách thuận lợi là cần thiết để tiếp cận được nguồn vốn dành cho tăng trưởng xanh từ khối đầu tư tư nhân.
“IFC hiện đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý và các định chế tài chính để giúp tạo một thị trường đầu tư kinh doanh khí hậu tại Việt Nam cũng như trong toàn khu vực Đông Á thông qua các giải pháp đầu tư và tư vấn sáng tạo,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của IFC chia sẻ.
Được biết, diễn đàn hội tụ các chuyên gia từ các cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán, các ngân hàng thương mại và các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước có cam kết đầu tư cao đối với phát triển bền vững, trong đó phải kể đến Tập đoàn năng lượng Ayala Energy, Quỹ Dragon Capital và MSCI.