Kinh nghiệm Nhật Bản
Từ năm 2003, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành“Chiến lược năng lượng sinh khối” và xây dựng các mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh và sinh thái. Năm 2009 đã có 208 đô thị và đến năm 2010 đạt 300 thành phố, đô thị đạt danh hiệu này. Tiếp theo, năm 2008, chính phủ nước này đưa ra “Kế hoạch hành động cho một xã hội các-bon thấp”, trong đó đặt trọng tâm vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo như sản xuất năng lượng mặt trời; phát triển các phương tiện vận tải không dùng xăng, thiết kế thế hệ xe mới sử dụng năng lượng điện; thực hiện lối sống giảm khí thải CO2, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tiết kiệm năng lượng để hướng tới giảm khí nhà kính, bảo vệ nền kinh tế và người dân khi giá năng lượng tăng.
Sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (2011) để lại tác hại lâu dài cho môi trường, Nhật Bản càng quan tâm phát triển “kinh tế xanh”, “năng lượng xanh” với công nghệ mới sản xuất điện, nhiên liệu "sạch hơn", trong đó có sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vô tận trong tự nhiên.
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020 thông qua việc đưa ra chính sách thuế các-bon để quyết tâm giảm phát thải các-bon xuống mức thấp nhất tại các thành phố lớn. Thành phố Tokyo đã kêu gọi giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 và 80% vào năm 2050, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách thiết lập những khuôn khổ thích hợp cho năng lượng tái sinh, công nghệ bảo tồn năng lượng và các hệ thống vận chuyển đa hình thái.
Để thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách đồng bộ gồm: đầu tư xanh, nghiên cứu và triển khai công nghệ xanh, tuyên truyền, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế, đặc biệt là áp dụng hệ thống thuế xanh - một trong các công cụ quan trọng được sử dụng để thúc đẩy các sáng kiến xanh.
Nhằm giám sát việc thực hiện Chiến lược, Nhật Bản đã thành lập “Hội đồng xúc tiến Chiến lược tăng trưởng mới” vào tháng 9/2010 do Thủ tướng đứng đầu. Đồng thời, tăng cường tổ chức Diễn đàn các công nghệ xanh để mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế về khoa học và công nghệ, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển và thông tin công nghệ. Thực hiện “Chiến dịch sáng kiến xanh” để phát triển công nghệ năng lượng và môi trường, tạo cơ hội đầu tư và việc làm.
Ngoài ra, Nhật Bản chú trọng đến các ngành công nghiệp phục vụ môi trường với quy mô 873 tỷ USD vào năm 2010, khuyến khích sử dụng nguồn lực địa phương, thông qua tiêu chuẩn ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ môi trường, trợ cấp và ưu đãi thuế cho việc mua bán công nghệ xanh, sản phẩm xanh…
Kinh nghiệm Hàn Quốc
Hàn Quốc bắt đầu thực hiện mô hình tăng trưởng xanh từ năm 2008 với bài phát biểu kỷ niệm 60 năm thành lập nước của Tổng thống, tuyên bố chính sách tăng trưởng xanh, coi đó là triển vọng tương lai của đất nước.
Năm 2010, Hàn Quốc công bố “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp xanh”, xác định một kế hoạch chi tiết các chính sách tăng trưởng xanh, tạo ra mô hình phát triển mới của quốc gia. Mục tiêu chung của chiến lược là trở thành nền kinh tế tăng trưởng xanh lớn thứ 7 thế giới vào năm 2020 và thứ 5 về năng lượng xanh vào năm 2050.
Những điểm chính trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là: thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả; giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch; phát triển công nghệ xanh; xanh hoá các ngành công nghiệp hiện có; phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến; xây dựng nền tảng cho kinh tế xanh; xây dựng không gian xanh và giao thông vận tải xanh; thực hiện cuộc cách mạng xanh về lối sống; hỗ trợ quốc tế cho tăng trưởng xanh.
Chương trình mở đầu bằng Dự án cải thiện môi trường sinh thái của 4 con sông lớn. Đó là sông Hàn chảy qua thủ đô Seoul, sông Nakdong ở vùng Đông Nam, sông Yeongsan ở khu vực Tây Nam và sông Geum ở miền Trung của Hàn Quốc. Ngoài ra, còn các nhánh sông và sông Seomjin, tổng cộng là 18 con sông trên khắp đất nước. Bên cạnh mục tiêu cải tạo hệ sinh thái, dự án này hướng đến hỗ trợ phát triển kinh tế vùng bằng cách tạo ra các không gian đa dụng cho hoạt động văn hoá và du lịch vùng ven sông. Toàn bộ dự án tiêu tốn khoảng 16.000 tỷ won, tương đương 13,8 tỷ USD; tạo ra 340.000 việc làm và thu được lợi ích kinh tế xấp xỉ 40.000 tỷ won.
Tiếp theo, nội dung chủ đạo của mô hình tăng trưởng theo chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc thể hiện ở việc lựa chọn các ngành công nghiệp chủ lực như thép, đóng tàu, ô tô, hóa dầu, dệt may… để triển khai thực hiện áp dụng công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thay đổi toàn bộ quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.
Thực hiện mô hình tăng trưởng xanh, Hàn Quốc đã xây dựng thể chế để thực hiện các nội dung về tăng trưởng xanh như: ban hành Luật cơ bản về tăng trưởng xanh, ít các-bon (có hiệu lực từ 14/4/2010); thành lập Ủy ban quốc gia về tăng trưởng xanh do Thủ tướng đứng đầu, thành viên là các bộ trưởng; thành lập Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) - một tổ chức liên chính phủ có mục đích xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh ít các-bon và hỗ trợ các nước thực hiện những chiến lược này.
PGS TS Bùi Tất Thắng
Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất trong giai đoạn đầu; khuyến khích chuyển sang phương thức mua sắm công thân thiện với môi trường.
Đồng thời, Chính phủ đưa ra gói kích thích kinh tế 38,1 tỷ USD, trong đó dành 81% cho mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đứng đầu thế giới, vượt xa EU (59%), Trung Quốc (38%). Các hợp phần gồm: 10,5 tỷ USD đầu tư cải tạo các dòng sông; 5,8 tỷ USD cho mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng; 1,8 tỷ USD cho trồng rừng... Hàn Quốc còn đầu tư gần 40 tỷ USD trong 4 năm (2008 - 2012) nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật xanh cùng công nghiệp mũi nhọn tổng hợp.
Chính phủ cũng đã cho xây dựng hệ thống “vận tải xanh”, bao gồm đường sắt thải ít khí các-bon và 3.000 km đường xe đạp quanh bốn con sông xanh. Khoảng 2 triệu ngôi nhà xanh và văn phòng làm việc sử dụng ít năng lượng và điện sẽ được xây dựng. Thực hiện mục tiêu cắt giảm 30% khí CO2 và các vấn đề như đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề xã hội vào năm 2020.
Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới hiện đại
Tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại, phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo ra động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao; đồng thời thể hiện những nỗ lực của các chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008.
Ở Việt Nam, trên cơ sở phân tích xu hướng chung trên thế giới và tham khảo kinh nghiệm chính sách của một số quốc gia đi tiên phong trong phát triển nền kinh tế xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược tăng trưởng xanh đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng.
Một là, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2011 - 2020 giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với năm 2010; định hướng tới năm 2030 giảm ít nhất mỗi năm từ 1,5 - 2%, tới năm 2050 giảm mỗi năm 1,5 - 2%.
Hai là, xanh hóa sản xuất, thực hiện chiến lược "công nghiệp hóa sạch". Đến năm 2020 giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%; 80% các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường, 50% áp dụng công nghệ xanh, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP.
Ba là, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.
Tiếp theo, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, bao gồm 4 chủ đề, 12 nhóm hành động và 66 nhiệm vụ. Các chủ đề chính là: xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Với chiến lược này, Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới hiện đại. Con đường phía trước còn dài và còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng một mô hình tăng trưởng mới - tăng trưởng xanh của kinh tế Việt Nam đang từng bước hình thành.
Hy vọng rằng, với những cải cách thể chế và nỗ lực triển khai áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình tăng trưởng xanh sẽ đem lại cho nền kinh tế Việt Nam những động lực mới, thành công mới, ngày càng bền vững và thịnh vượng.