Tín dụng có làm khó thị trường chứng khoán quý IV?

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ. Thị trường chứng khoán, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với cung tiền liệu có gặp khó trong quý cuối năm nay? 
Nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp niêm yết báo lãi khả quan là bệ đỡ cho đà tăng của chứng khoán quý IV. Nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp niêm yết báo lãi khả quan là bệ đỡ cho đà tăng của chứng khoán quý IV.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng gần đây đã giảm tốc sau khi tăng khá nhanh trong 6 tháng đầu năm. 

Tuy nhiên, do lo ngại nguy cơ lạm phát, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng không được cho vay quá nhiều đối với các lĩnh vực có rủi ro cao như phát triển bất động sản, cho vay tiêu dùng và chứng khoán; và vẫn giữ nguyên hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại là 15%, thay vì có động thái điều chỉnh tăng hạn mức này cho một số ngân hàng như trong những năm trước.

Tác động của chính sách điều hành này tới hoạt động của khối ngân hàng thương mại, được HSC nhìn nhận, so với hai quý đầu năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết trong quý III có vẻ giảm tốc do tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Dù vậy, xu hướng chung vẫn rất tích cực và các ngân hàng có thể đẩy mạnh các dòng thu nhập khác để bù đắp cho thu nhập lãi thuần.

HSC dự báo, lãi trước thuế của 13 ngân hàng đã niêm yết trong 9 tháng đầu năm tăng 41% so với cùng kỳ 2017, dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 11%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm tăng 52,8% so với cùng kỳ và tăng trưởng tín dụng giai đoạn này đạt 9,4%.

Vài tuần trước, HSC đưa ra báo cáo cho rằng, quan điểm cứng rắn của NHNN đối với tăng trưởng tín dụng có thể sẽ thay đổi phần nào dựa trên số liệu GDP quý III.

Nhưng với số liệu tăng trưởng GDP quý III được công bố tích cực, với triển vọng Việt Nam có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng GDP 2018, nên NHNN không có áp lực phải thay đổi chính sách. Theo đó, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 sẽ thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho cả hệ thống là khoảng 16%.

Bà Nguyễn Phương Lam, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) nhận định, thị trường chứng khoán và tăng trưởng tín dụng (cung tiền) có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau, một khi tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát thì sẽ có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, với số liệu công bố của Tổng cục Thống kê thì tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/9/2018 mới đạt 9,52%, dư địa tín dụng ra nền kinh tế trong quý cuối năm vẫn còn tương đối dồi dào và do vậy sẽ không tác động quá tiêu cực đến thị trường chứng khoán quý IV.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, việc NHNN không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có thể ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường chứng khoán. Hiện tại, nền kinh tế đang tăng trưởng tốt và đi đúng hướng với các chỉ tiêu về GDP, lạm phát, xuất khẩu khả quan.

Đây mới chính là những yếu tố tác động chính đến chỉ số chứng khoán trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lợi nhuận của ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp trên thị trường nói chung cũng có sự tăng trưởng mạnh, hàng loạt doanh nghiệp đã đạt hoặc vượt kế hoạch năm. Chứng khoán trong quý IV sẽ còn hứa hẹn nhiều điểm tích cực.

Liên quan đến chỉ đạo các ngân hàng không được cho vay quá nhiều đối với các ngành có rủi ro cao như phát triển bất động sản, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, cho vay lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 8,25% tổng dư nợ toàn hệ thống nên quy định trên không tác động đáng kể đến dòng vốn vào thị trường này.

Việc NHNN không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có thể ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường chứng khoán. Hiện tại, nền kinh tế đang tăng trưởng tốt và đi đúng hướng với các chỉ tiêu về GDP, lạm phát, xuất khẩu khả quan.  

 - Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM

Tính cả các khoản cho vay mang tính chất bất động sản (mà không tính là cho vay bất động sản) thì ước tính tỷ lệ cho vay bất động sản chỉ chiếm dưới 20% tổng dư nợ. Quy định trên không có tác động nhiều trên thực tế đối với doanh nghiệp bất động sản, thị trường chứng khoán nói chung.

Kênh huy động của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu qua kênh tín dụng và huy động từ khách hàng (với hình thức bán hàng theo tiến độ xây dựng).

Tuy nhiên, kênh trái phiếu đang được nhiều doanh nghiệp bất động sản lựa chọn và ngày càng phát triển. Ông Sơn đánh giá, trong tương lai, bên cạnh kênh tín dụng và huy động từ khách hàng, kênh trái phiếu cũng sẽ trở thành một trong các kênh huy động chính của các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, việc kìm chế tín dụng vào bất động sản là cần thiết khi tỷ lệ cho vay lĩnh vực này đã khá cao. Thị trường bất động sản cũng đã có sự tăng trưởng tốt trong các năm qua cả về giá và khối lượng giao dịch dẫn tới diễn biến nóng tại một số khu vực nhất định.

Các biện pháp giảm bớt độ nóng của thị trường bất động sản qua việc giảm tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này sẽ đảm bảo cân đối vĩ mô và sự bền vững chung của thị trường bất động sản trong dài hạn. 

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ