Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm?

(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng đã dẫn dắt thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi dòng tiền dè dặt hơn thì khả năng kéo nhóm này trở nên khó khăn. Dù kết quả kinh doanh khả quan, nhưng "nhược điểm" là vốn hóa lớn.
Tín dụng tăng trưởng tích cực hứa hẹn mang lại lợi nhuận khả quan cho các ngân hàng Tín dụng tăng trưởng tích cực hứa hẹn mang lại lợi nhuận khả quan cho các ngân hàng

Kinh doanh vẫn khả quan

Với ngành ngân hàng Việt Nam, lợi nhuận vẫn chủ yếu được đóng góp từ tín dụng, với hơn 80% thậm chí có những nhà băng quy mô vừa và nhỏ nguồn thu từ tín dụng còn đóng góp đến 90% vào tổng lợi nhuận. Vì thế, với đà tăng trưởng tín dụng tích cực trong nửa đầu năm nay, nhiều nhà băng cho biết, sẽ thu về mức lợi nhuận khả quan.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5/2018, dư nợ tín dụng tăng trưởng 6,16% so với cuối năm 2017. Tại nhiều ngân hàng thương mại, room tín dụng được cấp hồi đầu năm đã được sử dụng quá nửa, thậm chí là gần hết.

Đơn cử, tại Vietcombank lãnh đạo cấp cao nhà băng này cho hay, tăng trưởng dư nợ tín dụng 5 tháng đầu năm 2018 đạt mức 9%. Còn tại ACB, Techcombank, Sacombank… và nhiều nhà băng nhỏ, tăng trưởng dư nợ trong gần 2 quý đầu năm nay cũng đã ở mức khá cao.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng được NHNN đưa ra từ đầu năm 2018 là 17% và phân bổ xuống từng thành viên theo năng lực của từng ngân hàng. Trong đó, nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước cho phối được định hướng giảm dần tín dụng. Chẳng hạn, Vietcombank được phân bổ mức 15%; 3 ngân hàng còn lại là Vietinbank, BIDV và Agribank cùng ở mức 14%. Khối ngân hàng cổ phần được phân bổ mức từ 13-16%/năm cho nhóm quy mô lớn và 10-12% cho nhóm quy mô nhỏ hơn.

Thế nhưng, trước sức nóng của thị trường bất động sản và thị trường tiêu dùng, cũng như sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đã hút mạnh dòng vốn tín dụng ngân hàng. Tín dụng tích cực đã giúp nhiều nhà băng thu lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong quý I/2018 và hứa hẹn sẽ hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận khi kết thúc 2 quý đầu năm nay.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho hay, với mục tiêu lợi nhuận hơn chục nghìn tỷ đồng đưa ra cho năm 2018 - vốn là mức "khủng" trên thị trường, song khả năng ngân hàng này vẫn sẽ vượt kế hoạch khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 20%, chủ yếu nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng cao và chất lượng tín dụng được kiểm soát, từ đó hạn chế dự phòng rủi ro, thậm chí nhiều khoản dự phòng được hoàn nhập khi nợ xấu được đẩy mạnh xử lý.

Thông tin từ NHNN cho hay, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 100.500 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017. Đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ.

Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của 13 ngân hàng niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX đạt lần lượt 56.340 tỷ đồng và 20,13 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 35% 52% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành tương ứng 23% và 27% kế hoạch cả năm 2018, trong khi qúy đầu năm thường là mùa kinh doanh thấp điểm của các ngân hàng. VDSC cho rằng, nhiều ngân hàng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra trước thời điểm kết thúc năm tài chính 2018. Hiện nhiều nhà băng đang rục rịch lên kế hoạch điều chỉnh tăng lợi nhuận năm nay.

Cơ hội rộng mở?

Thực tế, cổ phiếu ngành ngân hàng đã nóng lên từ đầu năm 2017 và là động lực chính cho đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong năm. Chính điều này đã thôi thúc nhiều ngân hàng lên sàn niêm yết như VPBank (VPB), HDBank (HDB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB) và sắp tới là VIB, OCB, LienVietPostBank (dự kiến chuyển từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE). Hầu hết các "tân binh" này đều được thị trường đón nhận, giá cổ phiếu tăng mạnh.

Đơn cử, cổ phiếu VPB niêm yết trên HOSE từ giữa tháng 8/2017 với giá chào sàn 39.000 đồng/CP, bắt đầu tăng mạnh từ cuối năm 2017 và đạt mức đỉnh gần 70.000 đồng/CP vào trung tuần tháng 4/2018, tức tăng khoảng 80%. Với HDB, cổ phiếu này lên sàn vào đầu năm 2018 với giá ngày giao dịch đầu tiên là 39.600 đồng/CP và nhanh chóng leo lên mức đỉnh 51.800 đồng cũng vào giữa tháng 4, tương đương tăng 31%.

Hay với "tân binh" TCB, thông tin về việc niêm yết khiến cổ phiếu này tăng phi mã trên thị trường OTC, từ mức giá khoảng 35.000 đồng/CP đạt tới 128.000 đồng/CP - là giá phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE (4/6/2018), tức tăng hơn 4 lần trong gần 2 năm. Lên sàn đúng thời điểm thị trường chứng khoán giảm mạnh, nên thị giá TCB cũng giảm theo, hiện ở quanh mức 102.000 đồng/CP, song vẫn cao hơn nhiều so với các "cựu binh" như VCB, BID, CTG...

Cũng trong nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua, có thời điểm thị giá của VPB và HDB đã giảm về dưới mức giá ngày chào sàn, trước khi hồi trở lại ở mức 52.000 đồng/CP với VPB và 41.300 đồng với HDB như hiện tại.

Theo giới phân tích, bên cạnh các yếu tố vĩ mô thuận lợi, hỗ trợ cho giá cổ phiếu còn xuất phát từ chính nội tại các ngân hàng khi tỷ lệ nợ xấu giảm dần nhờ quản trị rủi ro tốt hơn, từ đó cải thiện đáng kể lợi nhuận; sự cạnh tranh khiến các ngân hàng năng động hơn, cung cấp dịch vụ đa dạng hơn... góp phần gia tăng lợi nhuận.

TS. Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital cho rằng, sức khỏe của ngành ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều sau hơn 4 năm tái cơ cấu. Lợi nhuận đạt được đã phản ánh thực chất năng lực của các ngân hàng. Vì thế, sự phân hóa giữa các nhà băng cũng ngày càng rõ nét hơn.

Theo ông Tuấn, các ngân hàng hiện này được chia thành 3 nhóm. Thứ nhất là các ngân hàng quy mô lớn, nằm trong top đầu đã qua giai đoạn khó khăn nhất của quá trình xử lý nợ xấu, kể cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Chẳng hạn, Vietcombank đã mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây để xử lý và trích lập đầy đủ dự phòng trong năm qua. Thứ hai là những ngân hàng cổ phần quy mô tầm trung, có thể phải mất 2-3 năm nữa mới xử lý xong các khoản nợ xấu. Thứ ba là nhóm gân hàng ngân hàng quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn.

Thực tế cho thấy, ngành ngân hàng đã có nhiều thay đổi và đang dần chuyển dịch sang hướng bán lẻ khi nhu cầu vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như mới thành lập tăng cao. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày một tăng với kỳ vọng lạc quan về nền kinh tế. Dự báo đến năm 2020, tầng lớp thu nhập trung bình và cao của Việt Nam sẽ đạt khoảng 33-44 triệu người, đẩy mạnh nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…, từ đó đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng.

Đó là các phân tích đầy lạc quan, nhưng thực tế thị trường chứng khoán có tính chu kỳ ngắn, phụ thuộc nhiều vào dòng vốn đầu cơ, thì việc có "kéo" được nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi được hay không là khó đoán. Đặc điểm của cổ phiếu ngân hàng là thuộc nhóm vốn hóa lớn, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng cao. Vì vậy, để tác động được vào giá, đòi hỏi một lượng tiền mua vào rất lớn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục