Thị trường thoát đáy, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn sóng

(ĐTCK) Đầu tuần này, với sự góp mặt của một tân binh ngành ngân hàng cổ phiếu TCB trên sàn HOSE, thị trường thêm một lần nữa hướng sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhiều mã cổ phiếu đang có quá trình hồi phục mạnh sau giai đoạn quá bán sẽ trở thành lựa chọn hấp dẫn lúc này Nhiều mã cổ phiếu đang có quá trình hồi phục mạnh sau giai đoạn quá bán sẽ trở thành lựa chọn hấp dẫn lúc này

TCB: Hiệu ứng tăng giá phiên chào sàn không diễn ra

Việc lên sàn của cổ phiếu TCB là một trong những sự kiện được giới đầu tư chờ đợi suốt từ năm 2017 tới nay. Thời điểm Techcombank đưa cổ phiếu lên sàn đúng lúc thị trường chứng khoán ghi nhận sự hồi phục sau 2 tháng giảm rất mạnh những tưởng sẽ thuận lợi cho xu hướng giá của TCB. Vậy nhưng, trong phiên chào sàn (4/6/2018), cổ phiếu TCB bị bán sàn ở mức 102.400 đồng/cổ phiếu (giá tham chiếu là 128.000 đồng/cổ phiếu) khi áp lực chốt lời mạnh.

Trước khi lên sàn, cổ phiếu TCB được giao dịch trên sàn OTC trong khoảng giá từ 105.000 - 115.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, TCB cũng đã bán tổng cộng hơn 164 triệu cổ phiếu, tương đương 14% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với giá 128.000 đồng/cổ phiếu và thu về 21.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận về diễn biến giao dịch của cổ phiếu TCB trong phiên chào sàn HOSE, bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) cho rằng, quy mô vốn hóa của Techcombank hiện rất lớn và xét trong hệ thống ngân hàng hiện chỉ kém Vietcombank, mặc dù quy mô tài sản cũng như lợi nhuận còn kém Vietinbank và BIDV khá nhiều.

Với những nhà đầu tư giỏi lướt sóng, đây là cơ hội tốt để tham gia vào thị trường do sau nhịp giảm, thị trường sẽ có nhiều đợt dao động mạnh do các hoạt động chốt lời và cơ cấu nguồn vốn

- ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng Bộ phận Phân tích, CTCK VIS

Điều này cho thấy cổ phiếu TCB đang được định giá khá cao, nếu xét trên góc độ so sánh với các ngân hàng lớn đã niêm yết. Vì vậy, việc giảm mạnh trong phiên chào sàn của TCB, trong khi nhóm ngân hàng đang tăng tích cực trở lại là tín hiệu tốt cho cả cổ phiếu TCB cũng như thị trường chung trong các phiên tới.

Ở mặt bằng giá hiện tại, các chỉ tiêu P/E (hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận) hay P/B (thị giá trên giá trị sổ sách của cổ phiếu) của Techcombank đang khá cao so với các ngân hàng khác, ví dụ như P/B của TCB vẫn đạt trên 3 lần, trong khi các ngân hàng niêm yết như Vietinbank, BIDV, VPBank, MBBank hay ACB hầu hết quanh vùng 1,7 - 2,5 lần.

Đặc biệt, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, trong năm 2017, Techcombank đã ghi nhận một số khoản lợi nhuận không thường xuyên từ hoạt động mua bán các khoản đầu tư, kinh doanh chứng khoán hay hoạt động dịch vụ, nếu loại trừ các khoản mục này thì định giá của Techcombank đang khá cao so với mặt bằng chung.

Cũng theo Argiseco, dù có mức vốn hóa lớn, nhưng nhiều khả năng trong thời gian mới lên sàn, thị giá TCB sẽ lình xình ở quanh vùng giá hiện tại, khó gây biến động mạnh tới thị trường.

Triển vọng cổ phiếu ngân hàng vẫn tích cực

Trong khi đó, ông Ngô Hoàng Long, Quản lý cao cấp Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, mặc dù giảm giá nhưng giao dịch của TCB trong ngày đầu tiên không mấy ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng, cũng như đến thị trường chứng khoán nói chung.

Theo VCSC, TCB đã giao dịch khá sôi động trong một thời gian dài trên OTC trước khi niêm yết và đây là cơ hội để nhà đầu tư nhìn lại, cũng như để thực hiện giao dịch trong một thị trường minh bạch hơn. 

Chỉ số VN-Index vừa có những phiên phục hồi sau gần hai tháng (4, 5) điều chỉnh mạnh kể từ đỉnh lịch sử 1.200 điểm và theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán đã qua quá trình tạo đáy. Vì vậy, không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự hồi sinh trở lại, nhiều mã cổ phiếu đang có quá trình hồi phục mạnh sau giai đoạn quá bán sẽ trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn vào lúc này.

“Với những nhà đầu tư giỏi lướt sóng, đây là cơ hội tốt để tham gia vào thị trường do sau nhịp giảm, thị trường sẽ có nhiều đợt dao động mạnh do các hoạt động chốt lời và cơ cấu nguồn vốn. Tôi vẫn cho rằng, vùng đáy trung hạn của thị trường đã hình thành và vì vậy, việc lướt sóng ngắn hạn sẽ ít rủi ro hơn so với cách đây vài tháng”, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nhận định.

Dù chỉ số VN-Index đã lấy lại gần 90 điểm trong một tuần, nhưng nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng và blue-chip chỉ tăng từ 7 - 10%, giá nhiều cổ phiếu vẫn còn thấp hơn đáng kể so với đầu năm. Vẫn còn nhiều cổ phiếu cơ bản chưa tăng giá và đó là cơ hội để thu hút dòng tiền.

Thời điểm nửa đầu tháng 6 này được dự báo là giai đoạn phân hóa, ghi nhận sự dịch chuyển của dòng tiền, nhưng sự luân chuyển này vừa giữ nhịp cho thị trường vừa tạo ra cơ hội cho dòng tiền đến sau. Thay vì chốt lãi, chiến lược mua và nắm giữ (buy & hold) được nhiều chuyên gia khuyến nghị cho thời điểm này.                                       

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục