Sau cơn mưa, trời lại sáng

(ĐTCK) Theo MBS, dù vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn đang mở ra.
Sau cơn mưa, trời lại sáng

CTCP Chứng khoán MB (MBS) đã chọn tiêu đề "Sau cơn mưa, trời lại sáng" cho Báo cáo chiến lược đầu tư dài gần 200 trang, đánh giá cơ hội trên TTCK Việt Nam cuối năm 2018 và 2019.

Theo MBS, dù vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn đang mở ra. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở nhận định những triển vọng tích cực về kinh tế vĩ mô, dự báo kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp dẫn dắt thị trường.

Các yếu tố vĩ mô đang ở vùng tốt nhất của 10 năm

Nửa đầu năm 2018, dữ liệu thống kê tăng trưởng các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đạt kết quả khả quan. Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của Mỹ là 3,9% năm 2018 và sẽ duy trì mức tăng trưởng này vào năm 2019.

Trong khi đó, khu vực kinh tế chung châu Âu (Eurozone) được điều chỉnh dự báo tăng trưởng lên mức 2,5% năm 2018, thay vì con số 2,3% của dự báo trước đó. Đây là những minh chứng cho thấy sự thay đổi tích cực về vĩ mô của khu vực kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu (sau Mỹ).

Với những dữ liệu này, MBS cho rằng, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh tiến trình “bình thường hóa lãi suất”. Giữa tháng 6/2018, Fed đã điều chỉnh lãi suất cơ bản USD tăng 25 điểm phần trăm, lên mức từ 1,75-2%/năm. Trong 6 tháng cuối năm, nhiều khả năng Fed có thể điều chỉnh thêm 2 lần lãi suất, với mỗi lần tăng khoảng 25 điểm phần trăm.

Trong nước, các chỉ báo kinh tế vĩ mô hiện tại đang ở trong vùng tốt nhất của 10 năm gần đây (xem bảng 1).

Theo MBS, triển vọng 6 tháng cuối năm 2018, kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng tốt, mặc dù mức độ gia tăng không được như 6 tháng đầu năm do các yếu tố đột biến từ Formosa Hà Tĩnh và Samsung không còn.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất dự báo vẫn được duy trì ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng hợp lý tiếp tục hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi; khu vực FDI vẫn diễn tiến khả quan và ổn định.

Trong năm 2018, MBS kỳ vọng, GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6,85%, lạm phát ở mức 4% do áp lực tăng giá xăng dầu và của các hàng hóa công như y tế, giáo dục. Thị trường ngoại hối tiếp tục chịu sức ép khi Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, nhưng không quá mạnh khi Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp nhờ dự trữ ngoại hối cao, với biên độ tăng tỷ giá VND/USD từ 1-2%.

Tăng trưởng tín dụng dự kiến dưới 17% và mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức như hiện nay nhờ sự dồi dào thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, trong khi tăng trưởng tín dụng không quá cao.

Theo MBS, việc lạm phát duy trì ở mức thấp là điểm thuận lợi của nền kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2017 và năm 2018. Lạm phát ổn định sẽ không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, qua đó chính sách tiền tệ có nhiều dư địa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong các năm tới.

Về mặt tín dụng, tín dụng dành cho bất động sản theo công bố chính chức của Ngân hàng Nhà nước đến cuối quý I/2018 là 488.000 tỷ đồng, chiếm 7,45% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tuy nhiên, MBS ước tính, cộng thêm tín dụng tiêu dùng đổ vào bất động sản với mức tạm tính khoảng 50% (theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia), tổng dư nợ bất động sản là 1,2 triệu tỷ đồng. Tín dụng tiêu dùng của Việt Nam tăng trưởng khá nóng trong các năm gần đây, nhưng về tổng thể vẫn ở ngưỡng lành mạnh so với quy mô tổng dư nợ.

Một điểm nhấn tích cực khác của kinh tế vĩ mô là hiệu năng của nền kinh tế sau khi cải thiện liên tục trong các năm trước nhờ quá trình tự tái cơ cấu tiếp tục khả quan (xem bảng 2).

Hệ số ICOR sau khi giảm liên tục từ 6 điểm năm 2012 xuống 4,8 điểm vào cuối năm 2015, trước khi tăng nhẹ lên 5 điểm vào cuối năm 2016 và 2017, đã tiếp tục đà giảm khi đạt 4,66 điểm vào 6 tháng đầu năm 2018.

Chứng khoán Việt Nam: Yếu tố riêng để hồi phục trong nửa cuối năm

Giải mã cho sự sụt giảm mạnh của TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây, MBS cho rằng, có 3 yếu tố tạo nên sự suy giảm là định giá cao, dư nợ margin và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.

Về định giá, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) của VN-Index trong 1 năm qua đã tăng rất mạnh, có lúc trên 21 lần, trong khi chỉ hơn 1 năm trước là dưới 17 lần, khiến định giá TTCK Việt Nam từng ở vùng đắt đỏ trong khu vực. Với mức định giá này, việc điều chỉnh giảm trong thời gian qua được cho là phù hợp cho sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn (xem bảng 3).

Sau cơn mưa, trời lại sáng ảnh 3

Trong bức tranh tổng thể, định giá cổ phiếu ngân hàng trong quý II/2018 ở mức cao so với mặt chung toàn cầu, trong khi đây là nhóm cổ phiếu đóng góp tới 24% vốn hóa toàn thị trường. Việc điều chỉnh mạnh giá cổ phiếu ngành ngân hàng được coi là cần thiết và đây là nguyên nhân quan trọng tác động đến các chỉ số chứng khoán.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu này đã điều chỉnh giá tương đối mạnh, đưa cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn. Cũng nhờ yếu tố điều chỉnh này, định giá P/E của chứng khoán Việt Nam đã dần trở về vùng hấp dẫn, tăng sức cạnh tranh so với các thị trường khác.

Về dòng vốn ngoại, MBS cho rằng, quy mô vốn ngoại trên TTCK Việt Nam không quá lớn so với quy mô toàn TTCK là 3 triệu tỷ đồng. Nếu loại trừ các thương vụ đầu tư thỏa thuận của các nhà đầu tư nước ngoài vào CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (NVL) và CTCP Vinhomes (VHM) gần đây, thì thực chất 5 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng khoảng 12.000 tỷ đồng.

Về cơ hội đầu tư, theo MBS, sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, TTCK đang đứng trước cơ hội tăng trở lại, với các nhóm ngành chủ yếu là ngân hàng - chứng khoán, bất động sản, điện và bán lẻ. Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu sẽ ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có cơ bản tốt, đã bị giảm mạnh trong thời gian vừa qua, các mã chứng khoán vốn hóa trung bình đang dưới giá trị hợp lý và nhóm cổ phiếu có yếu tố thoái vốn nhà nước.

Riêng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, MBS cho rằng, dự báo kinh tế tăng trưởng khả qua với môi trường lạm phát và lãi suất ổn định là một trong những điều kiện quan trọng hỗ trợ hoạt động các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng. Trong khi đó, chất lượng tài sản nhiều ngân hàng tiếp tục được cải thiện, với xu hướng đa dạng hóa nguồn thu nhập cùng khả năng nới room ngân hàng là những yếu tố làm tăng tính hấp dẫn của ngành xét dưới góc độ đầu tư.

Thời gian qua, tỷ lệ nợ xấu (NPL) được kiểm soát ở mức thấp, giảm dần qua các năm xuống mức 2,34%. Năm 2017, dư nợ trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã được xử lý toàn bộ ở một số ngân hàng, chỉ số an toàn vốn (CAR) của hệ thống ổn định ở mức 12,23% và tiến dần đến chuẩn Basel II.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn đó những rủi ro mà ngành ngân hàng có thể phải đối mặt, bao gồm tỷ lệ tín dụng trên GDP đã tiệm cận vùng đỉnh, việc phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực không hiệu quả sẽ tiềm ẩn gây ra rủi ro hệ thống. Basell II có thể sẽ dẫn đến nhu cầu tăng vốn ở các ngân hàng, tạo ra hiệu ứng pha loãng. Đồng thời, môi trường kinh tế toàn cầu, dù đang diễn biến khá tích cực, vẫn có rủi ro rơi vào chu kỳ tạo đỉnh và suy thoái.

Với định hướng tăng tỷ lệ tín dụng bán lẻ và tín dụng tiêu dùng, chuyển dịch cơ cấu tài sản sang các tài sản có lợi suất cao hơn trái phiếu chính phủ như trái phiếu doanh nghiệp…, biên lãi suất (NIM) tăng nhẹ lên mức 3,09% năm 2017, được dự báo ổn định trong năm 2018 và 2019.

Đây là cơ sở quan trọng để MBS đưa ra dự báo lạc quan cho kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng, dù cho rằng, nhóm này vẫn phải đối mặt với áp lực tăng vốn để cải thiện hệ số CAR và chủ trương siết chặt cho vay bất động sản có thể giảm tốc tăng trưởng tín dụng trong 2019. Đối với nhóm ngành này, ACB, VPB, MBB, VIB và VCB là 5 mã được MBS khuyến nghị
xem xét cơ hội đầu tư.

Với nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, kết quả bán hàng ấn tượng của nhóm ngành trong thời gian qua tiếp tục là yếu tố tạo động lực cho kết quả kinh doanh khả quan của ngành. Số căn hộ bán tại Hà Nội tăng trưởng 5%/năm với tỷ lệ bán/chào bán mới đạt 75% (2017: 66%); trong khi tại TP.HCM, các con số trên lần lượt là 25% và 97% cho thấy sức hấp thụ của thị trường bất động vẫn rất tốt. Thêm vào đó, vốn nước ngoài tăng mạnh vào lĩnh vực bất động sản cũng là một chỉ báo cho thấy sức hấp dẫn của ngành. Các mã cổ phiếu được MBS khuyến nghị đầu tư là DXG, NLG và HDG.

Với nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, MBS đưa ra khuyến nghị với HCM; MWG với nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ; ngành điện là POW, REE, NT2.

Dù không đưa ra nhận định cụ thể VN-Index sẽ về đích 2018 tại mốc nào, nhưng góc nhìn của MBS nghiêng về niềm tin TTCK sẽ sáng trong dài hạn. Cơ hội luôn đến với những nhà đầu tư biết đặt niềm tin đúng chỗ.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục