OTC hóa niêm yết: Cực đoan xu hướng thị trường

(ĐTCK) Cuối tháng 5/2009, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có Công văn số 919/UBCK-QLPH yêu cầu các công ty đại chúng đã niêm yết thực hiện lưu ký toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, trong văn bản trên, cơ quan quản lý không đưa ra “thời hạn cuối cùng”, nên các công ty đại chúng dạng này có vẻ vẫn “bình chân”, và đã có một số nhà đầu tư kịp… thiệt hại.
Nhiều mã chứng khoán đã niêm yết vẫn được giao dịch trao tay OTC bởi việc lưu ký không hết Nhiều mã chứng khoán đã niêm yết vẫn được giao dịch trao tay OTC bởi việc lưu ký không hết

  Muôn nẻo OTC hóa niêm yết

Câu chuyện về việc nhà đầu tư chỉ cần một giấy viết tay là có thể mua - bán thỏa thuận cổ phiếu niêm yết với giá trần/sàn chênh lệch so với giá giao dịch trên sàn cùng thời điểm lên tới 5, 7 phiên liên tiếp  không còn là chuyện lạ. Những mua - bán trao tay với thời gian thanh toán T+0 đã góp phần OTC hóa thị trường niêm yết và tác động không nhỏ đến diễn biến giá trên thị trường. Tuy nhiên, câu chuyện OTC hóa cổ phiếu trên thị trường niêm yết không chỉ dừng ở việc giao dịch T+0 các tài khoản, mà còn ở chính tình trạng giao dịch tự do các cổ phiếu chưa lưu ký của công ty đã lên sàn.

Ngày 17/6, một nhà đầu tư chia sẻ rằng, anh đã mua được một “mớ” cổ phiếu SHB ngoài OTC với giá 40.000 đồng/cổ phiếu từ đầu tháng 6 với hy vọng lướt sóng nhanh do giá cổ phiếu SHB trên sàn liên tục tăng nhanh. Tuy nhiên, chưa kịp lên sóng để chốt lời thì đã bị sóng vùi dập, vì sau mức giá giao dịch cao nhất đạt được ngày 12/6 (trên 40.000 đồng/cổ phiếu) thì cổ phiếu SHB đã giảm liên tục, thậm chí về dưới 30.000 đồng/cổ phiếu ngày 24/6. Nhà đầu tư trên còn “xanh mặt” hơn, vì giữa đà giảm của cổ phiếu SHB trên sàn, nhiều đối tác chào mua cổ phiếu của anh chỉ còn về… 17.000 đồng/cổ phiếu cho cả lô lớn. Giám đốc đầu tư một CTCK nửa đùa nửa thật nhận xét rằng: “Vụ này vui thật, vừa được niêm yết lại vẫn giao dịch OTC, tha hồ mà lướt sóng (và làm giá?)!”.

Trên thực tế, không chỉ có cổ phiếu SHB, nhiều mã chứng khoán đã niêm yết cũng được giao dịch trao tay OTC bởi việc lưu ký không hết, dù số lượng này không nhiều. Và với việc chỉ cần xác nhận chuyển nhượng cổ phiếu của công ty phát hành hoặc đơn vị ủy quyền quản lý sổ đông cũng như không bị giới hạn biên độ, cổ phiếu “tự do” đã tăng/giảm nhanh hơn nhiều lần so với diễn biến giá trên sàn.

Cực đoan hóa xu hướng thị trường

Từ câu chuyện cổ phiếu SHB, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho biết, nếu thị trường trong giai đoạn “tăng nóng” thì họ sẵn sàng mua một loại cổ phiếu ngoài sàn với giá cao hơn (có thể bằng giá T+10 của giá đang giao dịch trên sàn), nhưng nếu thị trường “bi đát”, giá cổ phiếu này đương nhiên sẽ thê thảm hơn rất nhiều vì thanh khoản giảm.

Tuy nhiên, nếu chỉ ảnh hưởng “một chiều” theo hướng giá cổ phiếu niêm yết tác động lên giá giao dịch tự do thì sẽ không có nhiều chuyện để bàn. Điều đáng nói hơn là, diễn biến giá những mã cổ phiếu niêm yết nhưng còn một số lượng chưa lưu ký cũng tác động không nhỏ đến diễn biến giá trên sàn.

Như cổ phiếu HCM, việc nhà đầu tư kỳ vọng và sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận miệng giao dịch T+0 không chuyển khoản cổ phiếu với giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu đã giúp giá cổ phiếu này khi niêm yết tiến thẳng một mạch lên trên 50.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay vụ cổ phiếu SAM, đà tăng của SAM đã kết thúc 2 ngày sau khi ngày 10/6 có thông tin các nhà đầu tư chấp nhận mua thỏa thuận giá trần 2,5 phiên so với giá ngày này, dù trước đó, cổ phiếu SAM tăng liên tục một phần cũng vì thông tin có giao dịch chấp nhận trần 7 phiên, 10 phiên (chưa kể yếu tố nội lực).

Việc mua thỏa thuận với giá vượt biên độ của ngày giao dịch đã không còn là chuyện hiếm. Nhiều ý kiến đã lên tiếng cảnh báo tính an toàn của giao dịch thỏa thuận T+0 (không chuyển khoản cổ phiếu) cũng như tác động của nó đến giá cổ phiếu niêm yết, nhưng thực trạng giao dịch OTC các cổ phiếu đang niêm yết giờ đây cũng tác động không nhỏ đến diễn biến giá cả trên thị trường.

UBCK đã ra văn bản yêu cầu các công ty đại chúng đã niêm yết thực hiện lưu ký tập trung toàn bộ cổ phiếu với Trung tâm Lưu ký chứng khoán trước khi chuyển nhượng. Đây là hành động thích hợp, đúng luật và đảm bảo cơ chế hoạt động hợp lý của thị trường. Tuy nhiên, với cách ra văn bản không có giới hạn về mặt thời gian cũng như không đưa ra một chế tài nào, nếu doanh nghiệp và các cổ đông không chịu thực hiện thì cũng khó có thể bắt buộc. Và ai có thể đảm bảo những giao dịch OTC hóa thị trường niêm yết như trên không ảnh hưởng, thao túng giá cổ phiếu trên sàn, nhất là khi hệ thống giám sát, thanh tra chứng khoán chưa đảm bảo kiểm soát hết các hoạt động của thị trường?

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,208.61 3.64 0.3% 77,036 tỷ
HNX 226.97 -0.6 -0.27% 604 tỷ
UPCOM 88.74 0.41 0.46% 239 tỷ