Nhiều CTCK sẽ tự nguyện rút môi giới

(ĐTCK) Chưa đầy một tháng trở lại đây, liên tiếp hai CTCK là Âu Việt (AVS) và Sao Việt (VSSC) đã công khai ý định tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới.
Nhiều CTCK sẽ tự nguyện rút môi giới

Hai CTCK khác cũng đã gửi đơn tự nguyện rút môi giới lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Đây là sự thoái lui tạm thời hay là bước đệm cho một cuộc ra đi không trở lại?

Nhiều CTCK sẽ tự nguyện rút môi giới ảnh 1

Nhiều CTCK phải “cắn răng” rút nghiệp vụ môi giới để giảm chi phí hoạt động

“Đau” cũng phải cắt

Khi TTCK dễ kiếm tiền, thì môi giới là đội quân chủ lực tạo tiền cho CTCK. Nhưng gặp cảnh thị trường “chợ chiều” kéo dài như hiện tại, thì chính đội quân này lại tiêu tốn nhiều chi phí nhất của CTCK. Đây là lý do các CTCK đành phải “cắn răng” giảm biên chế đội quân môi giới, hầu mong thoát hiểm trong thời buổi gian khó.

Nói về quyết định không mấy dễ dàng khi phải tự nguyện rút môi giới, ông Đinh Quang Chiến, Chủ tịch HĐQT VSSC cho hay, thị trường khó khăn kéo dài, khiến VSSC cảm thấy quá sức khi muốn duy trì đội ngũ môi giới. Nếu như đầu năm nay, tổng số nhân sự của VSSC là 35 người, thì nay còn 16 người. Việc cắt giảm mạnh nhân sự chưa tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, trong khi thị trường có nhiều dấu hiệu cho thấy khó khăn còn kéo dài, nên VSSC đành đi đến quyết định là tự nguyện rút môi giới.

“Chúng tôi đã có đơn gửi UBCK chấp thuận cho phép rút nghiệp vụ môi giới. Cuối tháng 11/2012, sau khi được ĐHCĐ thông qua quyết định rút nghiệp vụ môi giới, tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên tại hai Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký và được cơ quan quản lý chấp thuận, VSSC sẽ chấm dứt cung cấp dịch vụ môi giới”, ông Chiến nói, đồng thời cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, VSSC đã lỗ quá 50% vốn điều lệ.

Với “sức khỏe” tài chính như vậy, rõ ràng nếu không cắt nghiệp vụ môi giới, cũng như tiếp tục tiết giảm thêm chi phí, thì chuyện VSSC bị UBCK đặt vào diện kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt là điều khó tránh khỏi.

Tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới được coi là “lát cắt” đau, mà các CTCK muốn tạm thời qua cơn “bĩ cực” này không thể không chấp nhận. Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch AVS chia sẻ, đầu năm nay, AVS đã giảm đáng kể chi phí hoạt động sau khi cắt giảm tối đa chi nhánh, văn phòng đại diện, thậm chí một số bộ phận tại Hội sở chính. Nhưng như vậy là chưa đủ trong bối cảnh TTCK khó khăn kéo dài, nên AVS phải đi đến một quyết định đau hơn là rút môi giới, để giảm thiểu chi phí hoạt động. Đây là cách thoát hiểm trong thời buổi gian khó này…

“Tuy đã cắt giảm tất cả những gì có thể, nhưng quý III/2012, AVS vẫn bị lỗ gần 20 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân thị trường giao dịch èo uột, còn bởi từ nhận định thị trường có thể còn xấu thêm, nên AVS đành cắt lỗ nhiều danh mục đầu tư. Hết quý III/2012, AVS lỗ lũy kế khoảng 150 tỷ đồng/360 tỷ đồng vốn điều lệ”, ông Vịnh cho hay.

 

Thoái lui tạm thời hay vô hạn?

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, về thủ tục pháp lý, tuy chưa chính thức rút nghiệp vụ môi giới, nhưng thực tế các CTCK đã gần như “treo” dịch vụ này. Theo ông Vịnh, sau khi AVS công bố kế hoạch tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới, đến nay nhiều NĐT đã tất toán tài khoản tại AVS. Hiện tại, AVS chỉ tập trung nghiệp vụ tự doanh và tư vấn.

Co cụm mạnh hơn, theo Chủ tịch VSSC, tuy còn khoảng hơn 40 tỷ đồng đang gửi ngân hàng, nhưng Công ty rất thận trọng trong triển khai các nghiệp vụ kinh doanh. Hiện VSSC chủ yếu duy trì tự doanh, nhằm giảm thiểu rủi ro và chi phí hoạt động.

Khi được hỏi quyết định tự nguyện rút môi giới chỉ là tạm thời, hay là “kế hoãn binh” để chờ thời cơ bán, chuyển nghề, thậm chí giải tán CTCK, thì các ông chủ CTCK đều khẳng định, sẽ tái triển khai nghiệp vụ môi giới khi thị trường sôi động trở lại.

Tuy nhiên, điều mà các ông chủ CTCK chờ đợi để làm hồi sinh nghiệp vụ môi giới quá bất định về thời gian. Không ai trả lời được câu hỏi bao giờ TTCK khởi sắc và khởi sắc đến mức độ nào, duy trì trong bao lâu thì họ triển khai trở lại nghiệp vụ môi giới. Với thực tế như vậy, trên con đường “vừa sống, vừa cầm cự” chờ đến ngày thị trường “tươi sáng”, các ông chủ CTCK không dám chắc họ không đi vào những ngã rẽ bất ngờ như bán hoặc chuyển nghề, thậm chí đóng cửa CTCK khi có cơ hội.

Vậy là sau 12 năm phát triển, số lượng CTCK chỉ có tăng để “hớt váng” thị trường, thì nay một xu hướng ngược lại đang bắt đầu khi nhiều CTCK đang tìm cách giã từ cuộc chơi.

Hữu Đạo
Hữu Đạo

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ