Hoàn trả thặng dư vốn cho DN: Cần đẩy nhanh thủ tục

(ĐTCK-online) Sự kiện CTCP Xuất nhập khẩu Lâm thuỷ sản Bến Tre (FBT) được Bộ Tài chính hoàn trả một phần thặng dư vốn hơn 233 tỷ đồng khiến NĐT ngỡ ngàng. Vì sao một khoản tiền lớn như vậy mà sau hơn 1 năm thực hiện CPH mới được hoàn trả cho DN? Tại những DN khác, việc hoàn trả thặng dư vốn diễn ra như thế nào?

Quy định

Theo Thông tư số 146/2007/TT-BTC, tiền thu từ bán cổ phần (bao gồm cả bán cổ phần thuộc vốn nhà nước tại DN và cổ phần phát hành thêm) được để lại DN phần giá trị tương ứng với số cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá. Số tiền còn lại sau khi trừ chi phí CPH được dùng vào việc hỗ trợ DN thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phần chênh lệch thu từ bán cổ phần phát hành thêm để lại CTCP là khoản thặng dư vốn thuộc sở hữu của các cổ đông, được dùng để tăng vốn kinh doanh. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chuyển thành CTCP, DN CPH có trách nhiệm xác định chính thức số phải nộp, quyết toán các khoản chi cho người lao động và chi phí CPH báo cáo cơ quan quyết định CPH. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đối với DN Trung ương), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với DN thuộc tỉnh, thành phố) chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc nộp tiền thu về bán cổ phần về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Trường hợp chậm nộp, DN phải nộp thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền vay cùng kỳ hạn tại ngân hàng thương mại nơi DN mở tài khoản.

Bất cập

Đầu năm 2007, FBT tiến hành CPH thông qua việc bán đấu giá 10.360.000 cổ phần. Sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, FBT đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN của Bộ Tài chính số tiền hơn 396 tỷ đồng. Số tiền được trả lại FBT hơn 233 tỷ đồng là phần thặng dư vốn tương ứng với tỷ lệ cổ phần phát hành thêm (61,02%). Theo các chuyên gia, do thủ tục rườm rà nên việc hoàn trả bị chậm trễ. Chỉ khi có khó khăn về vốn, FBT phải làm đơn "xin" Bộ Tài chính thì khoản thặng dư vốn nói trên mới nhanh quay về với DN.

Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), việc phân chia thặng dư trong đợt đấu giá cổ phần lần đầu hồi cuối năm 2007 đã được thực hiện theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP. Nghĩa là, VCB chỉ nhận được phần thặng dư của phần vốn phát hành thêm, chứ không được nhận phần thặng dư từ đấu giá phần vốn nhà nước. Tuy nhiên, VCB đã có văn bản trình Chính phủ và Bộ Tài chính cho giữ lại 30% tổng vốn thặng dư để đầu tư vào các dự án, công trình trọng điểm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Còn tại Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC), DN này CPH bằng cách đấu giá cổ phần vào tháng 10/2007, toàn bộ thặng dư vốn của đợt phát hành khoảng 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số này thuộc về PVFC, phần lớn còn lại PVFC được vay với lãi suất ưu đãi trong vòng 2 - 3 năm.

Ông Tống Quốc Trường, Tổng giám đốc PVFC cho rằng, không nên chỉ để một phần thặng dư vốn lại cho DN CPH, vì như vậy sẽ làm giảm nguồn lực của DN, mặt khác gây thiệt thòi cho những cổ đông khi đấu giá với giá cao, bởi thực chất thì đó cũng là tài sản của cổ đông.

Chính việc phân chia tỷ lệ thặng dư chưa được hợp lý đã khiến DN tìm cách xin cho mình một cơ chế riêng. Về việc hoàn trả thặng dư vốn cổ phần, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cần khắc phục sự chậm trễ trong việc hoàn trả cho DN. Ông Hải cho biết, trên thực tế các DN cũng không mặn mà với việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn do tỷ lệ để lại DN không đáng kể. Trong khi đó, hàng loạt thủ tục rườm rà khiến DN tốn nhiều thời gian để nhận lại khoản tiền ít ỏi. Thời điểm thị trường thuận lợi, phát hành thêm còn thành công, những lúc khó khăn thì việc phát hành thêm khó đảm bảo kết quả đấu giá tốt. Một bất cập nữa là việc hoàn trả thặng dư vốn kéo dài, nhưng lại không được trả lãi suất. Trong khi đó, nếu DN chậm nộp về Bộ Tài chính sẽ phải nộp thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền vay.                     

Hiền Linh
Hiền Linh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,203.34 -1.63 -0.14% 15,035 tỷ
HNX 226.4 -1.17 -0.52% 142 tỷ
UPCOM 88.61 0.28 0.31% 61 tỷ