Dùng quỹ hưu trí đầu tư chứng khoán quá mạo hiểm?

Nếu dòng tiền để tại Bảo hiểm xã hội không phát huy được hiệu quả thì việc dành một phần cho DN sử dụng tái đầu tư là rất nên.
Ít năm nữa, số người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người Ít năm nữa, số người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người

Tại Chỉ thị 08 về phát triển TTCK vừa ban hành, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Đề án về Quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện và tạo cơ hội để chứng khoán tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho biết: “Hiện nay, có nhiều tập đoàn với hàng nghìn nhân viên đồng ý đưa quỹ hưu trí vào đầu tư. Nếu Bộ Tài chính có chính sách cho phép các công ty quản lý quỹ được quản lý nguồn quỹ hưu trí, thì chỉ cần 10% quỹ này cũng đủ kích thích nguồn vốn cho TTCK. Ở nhiều nước, các công ty quản lý quỹ nắm tới 60 - 70% nguồn quỹ hưu trí này”.

Theo ông Tân, việc quỹ mở tiếp cận với nguồn tiền từ BHXH sẽ có hai cách. Thứ nhất thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện (hay còn gọi là bổ sung) trên cơ sở các DN, tổ chức “tự nguyện” đóng góp thêm nguồn tiền sau đó được sử dụng vào mục đích kinh doanh nhằm chia lợi tức, đảm bảo cho CBCNV của mình một khoản thu nhập về hưu sau này cao hơn mức lương hưu hiện tại. Thứ hai, trích 5-10% tổng nguồn tiền kết dư 1.800 tỷ đồng của BHXH ra để các công ty quản lý quỹ sử dụng mục đích kinh doanh.

Sử dụng Quỹ hưu trí bổ sung trở thành nguồn cho quỹ mở để kinh doanh chứng khoán, liệu có rủi ro? Theo ông Tân, để bắt đầu, quỹ mở sẽ có trách nhiệm ký hợp đồng với từng công ty mà mục tiêu là đảm bảo an toàn vốn, phù hợp năng lực tăng trưởng. Nguồn đầu tư chủ yếu của quỹ mở sẽ là chứng khoán, giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN có uy tín.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhận xét: “Quỹ mở là nền tảng cơ bản để các tổ chức tài chính hình thành các công cụ đầu tư khác nhau nhằm thu hút NĐT. Một loạt hình thức quỹ khác có thể ra đời như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, các sản phẩm bảo hiểm liên kết, thậm chí cả quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ tiền tệ…

“Khung pháp lý này sẽ góp phần giải quyết một loạt các lĩnh vực, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, kéo theo khu vực bảo hiểm và an sinh xã hội cũng phát triển theo”- ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cũng cho hay, UBCK hoàn toàn ủng hộ việc thành lập quỹ này, vì đây là mô hình rất phổ biến trên thế giới.

Được biết, Bộ LĐTB&XH cũng đang nghiên cứu, xây dựng Quỹ hưu trí bổ sung nhằm hỗ trợ, đảm bảo đời sống người lao động sau khi về hưu.

Theo tính toán của BHXH Việt Nam , chỉ trong ít năm nữa khi số lượng người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người, BHXH sẽ không có khả năng chi trả và ngân sách sẽ phải bù quá lớn. Trong khi hệ thống hưu trí hiện hành ở Việt Nam là một hệ thống đơn lẻ, lương hưu là thu nhập duy nhất của số đông người nghỉ hưu nên đời sống vẫn khó khăn.

Tuy nhiên, một chuyên gia về bảo hiểm xã hội cho biết, ở Việt Nam , nếu dùng quỹ hưu trí để đầu tư vào chứng khoán là việc làm quá mạo hiểm. Vì thực tế, TTCK Việt Nam chưa phát triển đồng bộ, còn phập phù. Lãi suất trên TTCK lên xuống thất thường, không quản lý nổi.

“Tại Việt Nam , quỹ BHXH hiện chủ yếu chỉ cho ngân sách vay và phát hành trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, phần trăm ít còn lại cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước vay. Còn việc nếu lấy phần trăm của quỹ để đầu tư vào chứng khoán thì chắc chắn Chính phủ sẽ phải có cuộc họp với các bộ ngành liên quan” – vị chuyên gia này nói.


Tiền phong

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,199.6 -5.37 -0.45% 5,068 tỷ
HNX 226.0 -1.58 -0.7% 88 tỷ
UPCOM 88.55 0.22 0.25% 29 tỷ