Đua xây cao ốc trên

Nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội không ngần ngại chuyển hoạt động ra ngoại thành, hay chấp nhận thuê văn phòng vài năm để xây cao ốc mới. Không chỉ khang trang hơn và mang lại lợi nhuận lớn, tháp văn phòng còn là bước đệm để doanh nghiệp đặt chân vào ngành địa ốc.
Nhiều doanh nghiệp tận dụng vị trí đắc địa của trụ sở để xây cao ốc thương mại. Nhiều doanh nghiệp tận dụng vị trí đắc địa của trụ sở để xây cao ốc thương mại.

Tháp Vincom được coi là điển hình về việc chuyển đổi từ cơ sở sản xuất sang cao ốc thương mại. Sau khi nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo tại số 191 Bà Triệu dời đi, Vincom xây dựng tại đây 2 tòa tháp thương mại. Chỉ sau vài năm, ít người còn nhận ra khu vực vốn trước đây là một nhà máy. Vào thời điểm hoàn thành 3 năm trước, đây được coi là một trong những khu cao ốc hạng B sáng giá tại Hà Nội.

 

Theo sau Vincom, nhiều doanh nghiệp khác cũng bỏ tiền xây cao ốc trên diện tích sẵn có. Nhà máy dệt 8/3 tại quận Hai Bà Trưng nhường chỗ cho văn phòng cho thuê và khu dân cư, trong đó khu văn phòng sẽ có diện tích khoảng 43.200 m2. Theo kế hoạch, khu vực Công ty rượu Hà Nội trên phố Lò Đúc cũng sẽ được chuyển đổi thành khu thương mại.

 

Mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố kế hoạch biến trụ sở hiện nay thành Trung tâm Tài chính và Thương mại Tập đoàn Điện lực. Dự kiến EVN sẽ dỡ bỏ trụ sở tại số 69 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, và xây khu trung tâm thương mại có chiều cao 4 tầng ở phía đường Đinh Tiên Hoàng, 14 tầng ở phía đường Trần Nguyên Hãn. Theo nhìn nhận của giới kinh doanh, dự án này là "con gà đẻ trứng vàng" nhờ vị trí đắc địa.

 

Trong bối cảnh giá thuê văn phòng tại khu trung tâm Hà Nội liên tục leo thang một vài năm trở lại đây, tự xây trụ sở trở thành phương án tối ưu với nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo của Công ty Quản lý và Tiếp thị bất động sản CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), hiện các văn phòng hạng A và B tại khu vực trung tâm gần như không còn chỗ trống, giá thuê cũng leo thang theo từng tháng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, đang "ngồi" trên những mỏ vàng, nhờ vị trí đắc địa của trụ sở.

 

Giới kinh doanh bất động sản Hà Nội đánh giá, hiện trong thành phố không kiếm đâu ra một khu đất đắc địa như trụ sở EVN hiện nay. Với diện tích trên 14.240 m2, "quay mặt" ra hồ Hoàn Kiếm, khu đất này ước tính có giá không dưới 400 triệu đồng mỗi m2. Trong khi đó, với các đường phố trung tâm tại Hà Nội, có được một diện tích 500-600 m2 đã là khó khăn.

 

Ông Lê Văn Cư, Trưởng phòng Kinh tế Đô thị, Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng, thị trường bất động sản đang nhiều hứa hẹn và và các doanh nghiệp cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội làm ăn lớn này. 

 

Vốn nằm tại số 152 Thụy Khuê từ hàng chục năm, song nhà xưởng của Công ty giày Thụy Khuê cũng được di dời để lấy diện tích đất làm vốn trong liên doanh với tập đoàn Tung Shing (Hong Kong, Trung Quốc) thực hiện dự án căn hộ Golden Westlake.

 

Dù nằm kẹp giữa hai con phố chật hẹp là Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê, nhưng khu đất này lại có lợi thế nhìn thẳng ra hồ Tây. Đất ngõ khu vực này có giá khoảng 42-45 triệu đồng mỗi m2. Song, với khu cao ốc căn hộ 23 tầng của Golden Westlake, giá bán dao động 19-32 triệu đồng mỗi m2, chưa kể khu biệt thự đơn lập gồm 16 căn. Mức giá gốc này được xếp vào hàng cao nhất nhì Hà Nội.

 

Xây dựng trụ sở kết hợp kinh doanh cũng là một bước đệm để các tập đoàn lớn bước chân vào lĩnh vực bất động sản. Cùng với kế hoạch xây mới văn phòng, EVN đưa vào hoạt động Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực (EVN-Land Hà Nội). Giới kinh doanh địa ốc đánh giá, với dự án lớn được công ty mẹ giao cho khi vừa thành lập, công ty này nhiều thuận lợi. Trong khi đó, với các doanh nghiệp địa ốc mới thành lập không có sự hậu thuẫn như vậy, việc giành được các dự án lớn là rất khó khăn.

 

Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp xây cao ốc văn phòng lớn để quảng bá cho vị thế đại gia của mình. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) vừa thông báo chuyển trụ sở từ phố Ngô Quyền sang tòa nhà mới xây dựng tại 18 Láng Hạ. Không như các doanh nghiệp khác xây văn phòng vừa để sử dụng, vừa cho thuê, PetroVietnam dành toàn bộ tòa tháp 19 tầng này cho các đơn vị trong tập đoàn.

 

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc các doanh nghiệp xây dựng cao ốc văn phòng là điều đáng mừng, bởi sẽ giúp sử dụng đất trong nội thị hiệu quả. Tuy nhiên, ông cho rằng, xây dựng cao ốc tại vị trí trung tâm cũng cần tính đến kiến trúc và chiều cao, để không phá vỡ cảnh quan và quy hoạch vốn có.   


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ