Công ty chứng khoán hậu M&A: “Mỗi người, một vẻ”

(ĐTCK) Một trong những mục đích để các CTCK thực hiện sáp nhập, hợp nhất (M&A) là nhằm xóa lỗ lũy kế, tạo nên diện mạo mới cho công ty sau M&A, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mới có 4 thương vụ M&A CTCK được thực hiện và sự thành công sau đó cũng “mỗi người, một vẻ”.
Hoạt động M&A giúp các CTCK cải thiện tình hình tài chính, qua đó tăng năng lực cạnh tranh Hoạt động M&A giúp các CTCK cải thiện tình hình tài chính, qua đó tăng năng lực cạnh tranh

Dấu ấn “người mở đường”…

Theo nhận định của nhiều thành viên thị trường, cho tới thời điểm này, thương vụ sáp nhập CTCK VIT (VITS) vào CTCK MB (MBS) được coi là thương vụ thành công nhất trên TTCK Việt Nam.

Bản thân MBS (tiền thân là Công ty Chứng khoán Thăng Long - TLS) đã có một giai đoạn phát triển khá “nóng” trước đó, dẫn đến gặp phải một số vấn đề về quản trị rủi ro, trong bối cảnh TTCK rơi vào thời kỳ suy giảm. MBS khi đó có những khoản nợ không thu hồi được, dẫn đến thua lỗ.

Ngày 9/12/2013 là dấu mốc cho giai đoạn phát triển mới của MBS khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc thành lập công ty hợp nhất giữa MBS và Chứng khoán VIT.

Gần 2 năm sau sáp nhập, hoạt động của MBS đã “xuôi chèo, mát mái” khi liên tục xuất hiện trong Top 5 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên cả 2 sàn giao dịch. Cùng với đó, tình hình hoạt động kinh doanh của MBS cũng khả quan hơn hẳn.

Cụ thể, năm 2014, MBS đạt tổng doanh thu 388 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 73 tỷ đồng. Trong năm 2015, mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của MBS đều bám sát định hướng đặt ra từ đầu năm, với doanh thu đạt 80% kế hoạch.

Kết quả lợi nhuận năm 2015 có phần suy giảm, song theo lý giải của đại diện MBS là do chủ động trích lập dự phòng, nhằm củng cố sự an toàn và vững chắc cho tình hình tài chính của Công ty và chuẩn bị cho chiến lược phát triển lâu dài.

Tiếp đó, đến giữa tháng 9/2014, thương vụ sáp nhập thứ 2 giữa CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) và CTCK Đại Tây Dương (OSC) được thực hiện và cũng ghi nhận những thành công nhất định.

Dù công ty mới chỉ có vốn điều lệ là 60 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với thời điểm trước M&A (VIS có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, OSC có vốn điều lệ 135 tỷ đồng), nhưng nhờ hồ sơ tài chính đã “sạch đẹp” hơn, nên VIS chủ động trong việc triển khai các kế hoạch kinh doanh của mình.

Kết thúc năm tài chính 2015, VIS đạt tổng doanh thu 35,4 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ 2014, lãi sau thuế đạt 2,74 tỷ đồng, tăng tới 12,5 lần. 

…và nỗ lực của “kẻ tiếp bước”

Sau 2 thương vụ khá thành công ban đầu, các kế hoạch M&A CTCK bất ngờ trở nên im ắng. Cho đến đầu năm 2015, cuộc “hôn nhân” nhận được nhiều kỳ vọng giữa Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và  Chứng khoán Sen Vàng (GLS) mới diễn ra. Dù chưa đi đến hồi kết, nhưng theo Chủ tịch HĐQT APEC, ông Đỗ Văn Lăng, khi hợp nhất vào APEC, GLS có thể hỗ trợ đáng kể cho APEC trong chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng đầu tư, một lĩnh vực mà APEC muốn theo đuổi trong tương lai.

Rồi đến cuối tháng 11/2015, thương vụ M&A thứ 3 giữa CTCK Hải Phòng (HPC) và CTCK Á Âu (AAS) được thực hiện. Trước đó, HPC gánh khoản lỗ lũy kế lên đến hơn 200 tỷ đồng.

Sau M&A, dù vốn điều lệ HPC giảm hơn 30%, chỉ còn 291 tỷ đồng, song nhờ đó mà HPC tình hình tài chính khá “sạch”. Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên diễn ra mới đây, ông Vũ Dương Hiền, Chủ tịch HĐQT HPC cho biết, năm 2015, HPC đạt doanh thu hơn 12 tỷ đồng, giảm mạnh 71% so với thực hiện năm 2014 và chỉ đạt gần 27% kế hoạch. Tuy nhiên, lãi sau thuế đã đạt 17,4 tỷ đồng (nhờ được hoàn nhập dự phòng 10 tỷ đồng), chỉ giảm nhẹ 3% với kết quả thực hiện 2014 và hoàn thành 85% chỉ tiêu đề ra.

Năm 2016, HPC lên kế hoạch đạt doanh thu 45 tỷ đồng, gấp gần 4 lần kết quả năm 2015. Lãi sau thuế mục tiêu là 19,2 tỷ đồng, tăng trên 10% so với kết quả năm 2015.

Thương vụ M&A gần đây nhất và cũng là thương vụ thứ 4 trên thị trường giữa CTCK Phú Hưng (PHS) và CTCK An Thành (ATSC) diễn ra vào ngày 20/1.

Được ví như “Gã khổng lồ Golias” và “Chàng tí hon David” khi vốn điều lệ của PHS là 347 tỷ đồng, còn ATSC chỉ khiêm tốn ở mức 41 tỷ đồng, thế nhưng việc “kết hôn” này giúp PHS “được” nhiều hơn “mất”, bởi trước đó, vốn điều lệ của PHS đã bị “ăn mòn” tới hơn một nửa, xuống chỉ còn khoảng 167 tỷ đồng do lỗ lũy kế triền miên. Ngay trước khi hợp nhất, báo cáo tài chính năm 2015 của PHS vẫn là “bức tranh tối màu” khi tiếp tục thua lỗ gần 15 tỷ đồng.

Chính vì vậy, chia sẻ trong lễ nhận giấy phép thành lập công ty mới, đại diện của PHS kỳ vọng việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện để PHS giảm đáng kể một số khoản chi phí quản lý, nhờ đó có thể hoạt động thuận lợi và cạnh tranh hơn với các CTCK khác trên thị trường.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ