Xu hướng mới trong M&A công ty chứng khoán

(ĐTCK) Bước vào mùa ĐHCĐ thường niên năm nay, HĐQT một số CTCK dự kiến trình cổ đông kế hoạch sáp nhập với CTCK khác nhằm có cơ hội gia tăng thêm sức mạnh cho cả hai bên, thay vì tồn tại èo uột như hiện nay. 
Sau thương vụ hợp nhất giữa MBS và VIT, hàng loạt thương vụ M&A trong khối CTCK đã và đang diễn ra Sau thương vụ hợp nhất giữa MBS và VIT, hàng loạt thương vụ M&A trong khối CTCK đã và đang diễn ra

Xu hướng này được dự báo sẽ ngày một mạnh mẽ hơn do dư địa để “sống mòn” với nhiều CTCK đang ngày càng cạn kiệt.

Số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2015, toàn thị trường có 81 công ty chứng khoán (CTCK) đang hoạt động, giảm khoảng 23% tổng số CTCK so với cùng kỳ. Song thực sự có bao nhiêu CTCK trong số trên đang sống và có dòng tiền vào - ra? Chắc chắn khó có thể là 81 CTCK.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của một CTCK có khá nhiều lợi thế ngành được công bố mới đây cho thấy, doanh thu của Công ty đạt khoảng 25 tỷ đồng, song lợi nhuận chỉ vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng.

Nhức nhối nhất trong hoạt động của CTCK này vẫn là khắc phục những hậu quả do thời kỳ trước để lại bằng cách phải “thắt lưng buộc bụng” để trích lập dự phòng và  đôn đốc yêu cầu tăng tài sản đảm bảo cho các khoản thu khó đòi của chi nhánh TP. HCM. Ví dụ trên cho thấy, để duy trì hoạt động một cách tiết kiệm nhất có thể, mỗi năm, tùy quy mô, một CTCK vẫn có thể ngốn ít nhất hàng chục tỷ đồng.

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2015 công ty mẹ của một CTCK diễn ra hồi tháng 1 mới đây, lãnh đạo CTCK nêu ra tình thế rất khó khăn, doanh thu môi giới không đủ duy trì hoạt động cho việc vận hành trả lương nhân viên bộ phận môi giới. Để thu hút khách trong năm 2016, CTCK này tính toán cần khoảng 250 tỷ đồng để cung cấp các dịch vụ tài chính cho họ.

Trong bối cảnh thắt chặt vốn vay cho chứng khoán của ngân hàng, CTCK phải tính đến chuyện tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu và vay vốn của nhà đầu tư theo hình thức hợp tác đầu tư, hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Phát hành cho cổ đông hiện hữu thời điểm này chắc chắn không thành công vì bà chủ tịch tập đoàn tuyên bố, CTCK phải tự tìm cách sống, tập đoàn nhất định không hỗ trợ thêm nữa.

Được thành lập theo phong trào rầm rộ hồi những năm 2005-2007, nhiều ông chủ CTCK vốn là các đại gia trong những lĩnh vực kinh doanh khác, 1-2 năm trước đây vẫn ôm mộng duy trì CTCK để đến một ngày thị trường bùng nổ trở lại hoặc tìm đối tác bán lại công ty. Trong đó bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là hướng đi được nhiều công ty ao ước, song không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của các NĐT.

Thời điểm này, ngay cả những CTCK có hoạt động tốt, hệ thống vận hành chuẩn và đặc biệt khoản tự doanh thua lỗ thấp hoặc có tập đoàn tổng công ty mạnh “chống lưng” còn không có hy vọng tìm được đối tác.

Hợp nhất, sáp nhập có lẽ là cách lựa chọn khả thi hơn. Trong câu chuyện với ĐTCK hồi giữa năm 2015, tổng giám đốc một CTCK quy mô nhỏ kể rằng, ông chủ CTCK sẵn sàng cấp thêm tiền để công ty có thể hợp nhất với một đơn vị khác, song suốt 1 năm qua, ông đã tìm kiếm nhiều mà không thể đạt được thỏa thuận với một CTCK khác. Nơi phù hợp thì các ông chủ chưa sẵn sàng, nơi sẵn sàng thì bản thân CTCK lại không còn gì để “sáp nhập”.

Bài toán mà ông chủ CTCK này đặt ra cho vị CEO là nếu không tìm được đối tác để hợp nhất, đem lại diện mạo và sức sống mới cho CTCK, bản thân CTCK sẽ phải sáp nhập với một công ty khác, thời gian có thể là 2016.

Thị trường đã chứng kiến các “mối duyên” như MBS+VIT = MBS; VIS+ OSC = VIS; CK Hải Phòng + Á Âu = CK Hải Phòng; Phú Hưng + Sen Vàng = Phú Hưng… Năm 2016 được nhận định sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A khác khi hy vọng bán giấy phép và “làm lại” của nhiều ông chủ CTCK đang ngày một mong manh hơn. Diễn biến thị trường cũng không ủng hộ những CTCK chờ thời như thế. Đặc biệt, các quy định sắp được đưa vào thực thi của cơ quan quản lý đều cho thấy rất rõ, ưu thế thuộc về các CTCK quy mô lớn và hoạt động lành mạnh, có sức mạnh tài chính cũng như năng lực quản trị.

Theo nguồn tin của ĐTCK, hai CTCK khá nổi danh trên thị trường, mà  ở đó mang đậm dấu ấn của một ông chủ, nhiều khả năng sẽ “về một nhà”. Tính toán của một chuyên gia tư vấn trên TTCK Đài Loan từ 8 năm trước đã cảnh báo rằng, số lượng 105 CTCK Việt Nam sẽ giảm dần xuống khoảng 30 - 40 công ty là phù hợp với thị trường. Bài học này các TTCK phát triển trong khu vực đều đã trải qua.   

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục