Trách nhiệm và sự tò mò

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quan sát cách nhà đầu tư cá nhân tham gia các đại hội cổ đông cũng gợi lên nhiều suy ngẫm.
Đại hội cổ đông là dịp để cổ đông hiểu rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp Đại hội cổ đông là dịp để cổ đông hiểu rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp

Dù tỷ lệ tham gia đại hội của nhà đầu tư cá nhân có tăng lên trong vài ba năm qua, nhưng so với lượng sở hữu của khối này thì vẫn còn quá nhỏ. Thống kê tới thời điểm cuối tháng 12/2023, trên thị trường chứng khoán trong nước có 7,2 triệu tài khoản đầu tư, vượt 40% mục tiêu Chính phủ đặt ra vào năm 2025 (5 triệu tài khoản).

Sự bùng nổ số lượng tài khoản mở mới trong ba năm qua đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng, rõ nét nhất là sự tham gia áp đảo của nhà đầu tư cá nhân. Khối lượng và giá trị giao dịch của khối này thường xuyên vượt khối tự doanh công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài. Vậy nhưng, sự hiện diện của nhà đầu tư cá nhân lại rất mờ nhạt tại các đại hội cổ đông của doanh nghiệp. Trớ trêu hơn, khi đại hội cổ đông diễn ra vào đúng đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán thì số ghế trống càng nhiều hơn.

Dẫu phần lớn nhà đầu tư cá nhân “vô tình lướt sóng thành cổ đông” nhưng dù là cổ đông “bất đắc dĩ” thì tham gia đại hội cổ đông là một hoạt động thú vị, kèm trong đó chút nghĩa vụ của người sở hữu cổ phần.

Vậy tham gia đại hội cổ đông mang ý nghĩa gì? Là sự tò mò và trách nhiệm. Trách nhiệm, vì dù bất đắc dĩ hay có chủ đích, cổ đông cũng đang sở hữu một phần nhỏ của một công ty/tổ chức kinh tế. Trách nhiệm chất vấn người điều hành, trách nhiệm biểu quyết các vấn đề trong công ty dù lớn hay nhỏ vẫn là trách nhiệm.

Xa hơn câu chuyện trách nhiệm thì việc tham gia đại hội cổ đông còn là thỏa mãn sự tò mò. Đằng sau những con số doanh thu, lợi nhuận, giá cổ phiếu là những con người quản lý, vận hành doanh nghiệp. Cổ đông doanh nghiệp dù trong ngắn hạn hay dài, chẳng phải đều nên tò mò về doanh nghiệp, hứng thú với các câu chuyện kinh doanh!

Dù là cổ đông “bất đắc dĩ” thì tham gia đại hội cổ đông là một hoạt động thú vị.

Rất khó có thể nhìn ra văn hóa doanh nghiệp qua bảng giá xanh đỏ, hay qua khối lượng giao dịch cổ phiếu của công ty đó. Đọc thư gửi cổ đông của tổng giám đốc sẽ không thể cảm nhận đủ lãnh đạo của doanh nghiệp là con người thế nào, chưa nói tới việc bức thư đó chẳng phải tự tay giám đốc viết ra. Nhưng đâu đó trong buổi đại hội cổ đông, nơi một năm diễn ra một lần, cổ đông có cơ hội được quan sát nhân viên doanh nghiệp, cách họ tương tác và làm việc với nhau, với cổ đông để hiểu về văn hóa công ty. Cổ đông, nhà đầu tư cũng có cơ hội được lắng nghe trực tiếp cách lãnh đạo chia sẻ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như thái độ ứng xử (tôn trọng hay không) với cổ đông.

Tôi đã từng tham dự đại hội cổ đông của một tập đoàn đa ngành có quy mô lớn tại Hà Nội và có những ấn tượng không hay. Sau các thủ tục như thông qua quy chế tổ chức đại hội, thiết lập ban chủ tọa, tới mục đọc các tờ trình đại hội thì không thấy chủ tịch doanh nghiệp đâu cả. Vị này chỉ trở lại trong phần vấn đáp/thảo luận và người chủ tịch đó đã không còn quay lại ở đại hội cổ đông năm sau đó.

Ngược lại, tôi cũng có kỷ niệm rất đẹp về đại hội cổ đông của một doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, tổ chức tại một thành phố ở miền núi phía Bắc. Hôm đó, số cổ đông cá nhân tham dự chỉ trên dưới 10 người và khi gặp cổ đông, chủ tịch doanh nghiệp rất hồ hởi chào đón. Đại hội tự nhiên thân mật hơn, các lễ nghi được bớt đi và lãnh đạo doanh nghiệp dành nhiều thời gian hơn cho việc trả lời các câu hỏi của cổ đông. Kết thúc đại hội, tất cả các cổ đông đều được mời đi dự tiệc với công ty và tại đây, chủ tịch tiếp tục chuyện trò, trao đổi với chúng tôi.

Đúng là trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân, cổ đông thiểu số vẫn chưa có nhiều tiếng nói trong doanh nghiệp, nhưng đặc quyền chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp và thảo luận là thứ không ai tước đi được, dù là cổ đông lớn hay thiểu số.

Quyền được đặt câu hỏi chất vấn về doanh nghiệp không phân biệt số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư/cổ đông nắm giữ. Nó phản ánh sự tò mò, quan tâm của cổ đông với doanh nghiệp và trách nhiệm trả lời là của hội đồng quản trị. Khi những thắc mắc, tin đồn được làm rõ, những con số tài chính như được thổi thêm hồn doanh nghiệp. Sau khi nghe xong các câu trả lời, biết đâu cổ đông “đầu cơ” lại lựa chọn giữ cổ phiếu lâu hơn một chút. Ngược lại, có thể cổ đông có ý định đầu tư dài hạn phải nhìn nhận lại chiến lược của mình.

Một mánh tôi học được từ giám đốc quỹ tài chính khi đi tham dự đại hội khá hay: đại hội càng vắng người tham dự thì anh càng chọn mua thêm vào sau này, nhưng khi đại hội người tham gia càng đông người thì anh chia sẻ phải bán càng sớm càng tốt.

Mánh, nhưng áp dụng năm 2022, tôi thấy tính chính xác cao, khi đọc báo thấy một đại hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản được gắn mác “siêu cổ” có số lượng cổ đông tham dự vượt kế hoạch hơn 600 cổ đông, nhiều nhất từ trước tới giờ, đến mức phải kê thêm ghế ra ngoài hội trường. Đó cũng là giai đoạn đỉnh giá cổ phiếu đó, đến giờ vẫn chưa quay trở lại. Cổ đông tham dự năm sau cũng đã ngớt đi phần nào.

Lần khác, khi tham gia đại hội của một ngân hàng quy mô lớn, tôi gặp được anh cổ đông nắm cổ phiếu ngân hàng này từ năm 1999 và hầu như đại hội nào anh cũng đặt câu hỏi chất vấn ban lãnh đạo. Đến mức, có năm anh vắng mặt, chủ tịch ngân hàng còn phải hỏi thăm khi không thấy anh đứng lên đặt câu hỏi. Gặp anh, tôi đã được nghe về hành trình làm cổ đông lâu nhất từ trước tới giờ, qua đó, tôi học được những bài học và triết lý đầu tư không kém phần thú vị.

Đình Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục